Phòng chống cháy nổ chung cư: Không thể “đèn nhà ai nhà ấy tỏ“

(ĐTCK) Từ vụ cháy chung cư CT4 Xa La (Hà Đông, Hà Nội) hôm 11/10, nhiều cư dân sống tại các tòa nhà chung cư đã cuống cuồng tìm mua các công cụ, vật liệu phòng chống cháy nổ.
Rủi ro cháy nổ luôn tiềm ẩn tại các khu nhà cao tầng.
ảnh: Hoài Nam Rủi ro cháy nổ luôn tiềm ẩn tại các khu nhà cao tầng. ảnh: Hoài Nam

Liên tiếp xảy ra cháy tại các dự án do Công ty Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên đầu tư khiến các cư dân sống tại các chung cư do công ty này đầu tư đang tự bảo vệ mình bằng cách tìm mua các công cụ phòng cháy.

“Các vụ cháy xảy ra tại CT4, CT5, CT6 Khu đô thị Xa La, hay ở HH4A Khu đô thị Linh Đàm thời gian qua đều được cho là có liên quan đến nguồn điện, trạm biến áp nổ. Việc cháy liên tục trong thời gian ngắn như trên cũng cho thấy hệ thống phòng cháy có vấn đề. Không thể mãi trông chờ vào chủ đầu tư và số phận nữa, đã đến lúc cư dân phải tự thân vận động, tự thuê lắp đặt, kiểm tra bảo dưỡng hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC)”, nhóm cư dân ở Linh Đàm cho hay.

Trước các vụ cháy liên tiếp xảy ra tại các dự án chung cư của Công ty Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên thời gian qua, UBND TP. Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc về việc thanh tra toàn diện các dự án có sử dụng đất do doanh nghiệp này đầu tư hoặc hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, các cư dân tại các tòa nhà này cho biết, họ không an tâm ngồi chờ.

“Với những dự án nhà ở giá bình dân, chủ đầu tư thường tối thiểu hóa mọi chi phí. Bây giờ nhà đã xây xong, hệ thống điện chạy âm, liệu Thanh tra có kiểm tra hết được hệ thống này có đủ tải hay không, có được xử lý đúng kỹ thuật an toàn hay không? Sau thanh tra, nếu có vấn đề thì có đập hết để sửa lại hay không? Vì vậy, trong lúc chờ thanh tra vào cuộc, các nhà tự thân trang bị thì tốt hơn”, anh Tuấn, một cư dân tại Khu đô thị Xa La nói.

Thậm chí, một số cư dân Linh Đàm cho hay, sẽ kiểm tra lại xem tầng hầm của tòa nhà có cửa ngăn khối hay không, nếu chưa có, sẽ tự đầu tư cái cửa ở sảnh thang máy đi ra hầm gửi xe, hay cửa chống cháy tại thang thoát hiểm để ngăn khói, nhiệt từ hầm vào tòa nhà, hay vào lối thoát hiểm khi sự cố xảy ra.

Hiểu được nỗi lo cư dân, một số đội thợ điện, trong đó có cả nhà thầu đã từng thi công cho tòa nhà đã tranh thủ mời chào các dịch vụ kiểm tra đường dây để tìm hướng khắc phục nếu phát hiện có vấn đề. Thậm chí, một số hộ dân Linh Đàm, Đại Thanh còn chủ động mời đội thợ đến để bàn về việc kiểm tra an toàn đường điện.

Không chỉ các cư dân ở chung cư giá rẻ, nhiều cư dân ở các dự án căn hộ cao cấp cũng lo phòng bị cho mình, như mua mặt nạ phòng độc, bình oxygen nhỏ. "Sang" hơn, một số cư dân đầu tư cả các thiết bị thoát thân, như bộ dây thoát hiểm, thiết bị Skysaver (thiết bị cứu giúp cư dân có thể trèo xuống bên hông của một tòa nhà cho đến nơi an toàn) có giá lên tới gần 900 USD, bộ áp giáp chống khói, thậm chí là mặt nạ cao cấp của EU/G7 để an toàn và tăng thời gian chịu đựng. Bên cạnh đó, một số cư dân cũng đang tìm mua bảo hiểm cháy nổ chung cư.

“Cách đây 1 năm, thấy một số vụ cháy chung cư lớn xảy ra ở Hà Nội, tôi có đề cập đến việc mua dây đu để thoát thân khi cháy nổ, nhưng chẳng mấy ai quan tâm, có người còn tưởng tôi quảng cáo để bán dây. Giờ thì thấy ai cũng nhao nhao hỏi. Có vẻ như các thiết bị phòng chống cháy nổ sắp sốt xình xịch”, chị Thanh Huyền, cư dân một tòa chung cư tại đường Nguyễn Trãi cho biết.

Hiện tại, ngoài các thợ điện mời chào cư dân các dự án chung cư của Công ty Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biện, các dịch vụ khác cũng được tiếp thị tận nơi ở nhiều khu chung cư, như mặt nạ chống khói, mặt nạ lọc khói, mặt nạ dành riêng cho trẻ em, bình xịt cứu hỏa với chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Theo các chuyên gia, chung cư có hệ số an toàn cháy nổ cao hơn nhà dân, khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng cũng có mặt nhanh hơn, nhưng các hộ dân cũng nên tự trang bị cho mình thiết bị PCCC để tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các công cụ phòng cháy cần được trang bị một cách đồng bộ trên tổng thể cả hệ thống, chứ không nên theo kiểu mạnh ai nấy làm, bởi một mắt xích hỏng sẽ hỏng cả hệ thống.

“Nếu chỉ trang bị công cụ PCCC thôi là chưa đủ, quan trọng phải đưa ra giải pháp tổng thể của cả tòa nhà. Đơn cử, muốn dùng các bộ dây thoát hiểm cao cấp, cần có hàng loạt điều kiện, như dưới chân tòa nhà phải là những bãi bằng phẳng, các lối thoát cần được bố trí đảm bảo không nằm phía trên các lỗ lửa/khói tiềm tàng, tòa nhà phải hạn chế kết cấu nhô ra - thụt vào, khiến dây cáp bị cứa trong quá trình tụt xuống, các lối thoát cần có các móc được thiết kế và thi công đủ chịu lực cho việc treo 1 người trong thời gian dài, cùng nhiều điều kiện khác…”, chuyên gia chuyên cung cấp thiết bị Skysaver nói.      

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Kim Lan
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục