Theo số liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ không thay đổi trong tháng 4 khi người dân cắt giảm mua sắm ô tô, cũng như các đơn đặt hàng lớn khác và giá nhập khẩu giảm tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 4, trong khi tồn kho hầu như không tăng trong tháng 3.
Các dữ liệu khiến nhà đầu tư cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ phải vật lộn mới có thể phục hồi đủ mạnh để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trước tháng 9.
Kỳ vọng này giúp phố Wall dao động với sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên thứ Tư, nhưng do sự thận trọng của giới đầu tư khiến Dow Jones và S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ, còn Nasdaq chỉ có được mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Dow Jones giảm 7,74 điểm (-0,04%), xuống 18.060,49 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,61 điểm (-0,03%), xuống 2.098,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,50 điểm (+0,11%), lên 4.981,69 điểm.
Theo báo cáo mới, tốc độ tăng trưởng GDP của Pháp trong quý I nhanh nhất trong 2 năm, nhưng kinh tế Đức lại tăng chậm lại từ tốc độ tăng mạnh mẽ trong quý IV/2014. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế của Mỹ yếu khiến đồng euro tăng cao so với đồng USD, qua đó tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 13/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 15,83 điểm (+0,23%), lên 6.949,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 120,95 điểm (-1,05%), xuống 11.351,46 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,79 điểm (-0,26%), xuống 4.961,86 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 2 tuần khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ mua vào cổ phiếu. Trong khi dữ liệu yếu kém từ kinh tế Trung Quốc tiếp tục được công bố khiến chứng khoán Hồng Kông duy trì đà giảm và chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Tư.
Theo dữ liệu vừa công bô, tốc độ tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 15 năm, trong khi sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ trong tháng 4 thấp hơn dự báo.
Kết thúc phiên 13/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 139,88 điểm (+0,71%), lên 19.764,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 157,90 điểm (-0,58%), xuống 27.249,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 25,46 điểm (-0,58%), xuống 4.375,76 điểm.
Báo cáo doanh số bán lẻ gây thất vọng của Mỹ đã khiến đồng USD giảm mạnh trong phiên thứ Năm. Chỉ số USD giảm 0,89%, xuống mức 93,697, mức thấp nhất hơn 3 tháng và đã giảm 12% từ mức đỉnh 12 năm là 100,39 được thiết lập hồi tháng 3.
Việc dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan và đồng USD giảm mạnh đã giúp vàng có động lực để tăng mạnh trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất hơn 5 tuần và là lần đầu tiên trong tháng 5, giá kim loại quý này chinh phục được ngưỡng 1.200 USD/ounce.
Kết thúc phiên 13/5, giá vàng giao ngay tăng 22,1 USD (+1,85%), lên 1.215,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 25,8 USD/ounce (+2,16%), lên 1.218,2 USD/ounce.
Giá dầu đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm sau phiên tăng mạnh hôm thứ Tư do lo ngại về nguồn cung lớn đè nặng lên tâm lý thị trường.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, kho dự trữ của Mỹ giảm 2,2 triệu thùng, xuống 485 triệu thùng do với mức dự báo tăng 386.000 thùng của giới phân tích, khiến giá dầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, sau đó, giới đầu tư bình tĩnh lại và phân tích rằng, so với số lượng 90 triệu thùng trong hơn 1 năm trước, thì con số 485 triệu thùng đang là rất lớn. Giới đầu tư mong muốn tốc độ giảm cần mạnh hơn nữa, nhưng điều này chưa xảy ra.
Kết thúc phiên 13/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,25 USD/thùng (-0,41%), xuống 60,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,05 USD (-0,07%), xuống 66,81 USD/thùng.