Hôm thứ Ba, Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập quốc gia cho biết, chỉ số lạc quan của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ đã tăng 1,7 điểm, lên 96,9 điểm trong tháng 4. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2014. Dấu hiệu này cho củng cố thêm đà tăng trưởng trở lại của kinh tế Mỹ trong quý II sau quý I yếu kém do mùa Đông khắc nghiệt.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ phiên thứ Ba đã có những phút hoảng hồn do ảnh hưởng từ việc lợi suất trái phiếu tăng lên mức cao 6 tháng khi có những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất lên trong tháng 6. Sau đó, lợi suất trái phiếu hạ nhiệt trở lại, giúp phố Wall chặn đứng được đà lao dốc và hãm bớt đà giảm. Đóng cửa, các chỉ số chính của phố Wall chỉ còn giảm nhẹ, mức giảm ít hơn phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Dow Jones giảm 36,94 điểm (-0,2%), xuống 18.068,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,21 điểm (-0,29%), xuống 2.099,12 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,38 điểm (-0,35%), xuống 4.976,19 điểm.
Hoạt động bán tháo trái phiếu cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán châu Âu. Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh như phố Wall trước đó, nhưng do kết thúc sớm hơn trước khi đà bán tháo trên thị trường trái phiếu dừng lại, nên chứng khoán châu Âu chịu mức giảm mạnh hơn nhiều chứng khoán Mỹ.
Kết thúc phiên 12/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 96,05 điểm (-1,37%), xuống 6.933,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 200,94 điểm (-1,72%), xuống 11.472,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 53,22 điểm (-1,06%), xuống 4.974,65 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, những lo ngại về cuộc tình hình Hy Lạp, cũng như khả năng Fed tăng lãi suất khiến chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh đầu phiên. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp công bố khả quan, đã giúp chỉ số Nikkei 225 hồi phục và đóng cửa với sắc xanh nhạt.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều giảm mạnh do áp lực chốt lời cổ phiếu bất động sản và tài chính sau 2 phiên tăng mạnh trước đó nhờ vào việc Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ. Trái ngược lại, chứng khoán Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Ba, vượt qua ngưỡng 4.400 điểm.
Kết thúc phiên 12/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 3,93 điểm (+0,02%), lên 19.624,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 311,02 điểm (-1,12%), xuống 27.407,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 67,64 điểm (+1,56%), lên 4.401,22 điểm.
Sau 3 phiên tăng liên tiếp, chỉ số USD đã giảm 0,5% trong ngày thứ Ba do ảnh hưởng từ những biến động của thị trường trái phiếu, qua đó tiếp động lực cho vàng hồi phục trở lại. Giá vàng tăng trở lại còn do lực mua kỹ thuật và lực mua trú ẩn của giới đầu tư khi làn sóng bán tháo diễn ra trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu.
Kết thúc phiên 12/5, giá vàng giao ngay tăng 9,5 USD (+0,80%), lên 1.193,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 9,4 USD/ounce (+0,8%), lên 1.192,4 USD/ounce.
Sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ, giá dầu đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba với mức tăng trên 3%, mức mạnh nhất 3 tuần sau khi đồng USD bất ngờ giảm mạnh do những biến động trên thị trường trái phiếu sau 3 phiên tăng liên tiếp và OPEC nang dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới. Ngoài ra, cuộc xung đột tại Yemen cũng làm gia tăng mối lo gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông, góp phần đẩy dầu tăng mạnh.
Kết thúc phiên 12/5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,5 USD/thùng (+2,53%), lên 60,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,95 USD (+3%), lên 66,86 USD/thùng.
Trong tháng 4, giá dầu có tháng tăng mạnh nhất trong 6 năm với mức tăng 25% do các dấu hiệu một thị trường bất ổn toàn cầu đã được giảm bớt
Viện Dầu khí Mỹ cho biết, sản lượng dự trữ dầu thô giảm 2 triệu thùng, xuống 481,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 8/5. Các nhà phân tích theo thăm dò ý kiến của Reuters dự báo kho dự trữ này tăng thêm 400.000 thùng.
Hôm thứ Ba, Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) cắt giảm dự báo sản lượng dầu thô năm 2015 của mình xuống 530.000 thùng/ngày từ mức 550.000 thùng/ngày và giảm mức dự báo của năm 2016 thấp hơn 20.000 - 80.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.