Theo báo cáo, bảng lương trong lĩnh vực tư nhân ADP trong tháng 4 của Mỹ có thêm 169.000 việc làm được tạo ra, thấp hơn con số dự báo của các nhà phân tích là 205.000 việc làm. Con số này báo hiệu bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu tới không mấy khả quan.
Ngoài ra, theo báo cáo khác, chi phí tiền lương theo giờ trong quý I đã tăng 5%, nhưng năng suất lao động lại giảm 1,9%, nhiều hơn so với mức giảm dự kiến là 1,8%. Báo cáo này là yếu tố cơ bản để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh giá về lạm phát lõi trong quyết định tăng lãi suất của mình.
Bên cạnh đó, trong cuộc gặp với Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed đánh giá, định giá vốn cổ phần hiện nay nói chung đang khá cao. Sau phát biểu này của bà Yellen, phố Wall lại đối mặt với hành động bán tháo sau những nỗ lực phục hồi trước đó.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Dow Jones giảm 86,22 điểm (-0,48%), xuống 17.841,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,31 điểm (-0,45%), xuống 2.080,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,68 điểm (-0,40%), xuống 4.919,64 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, bất chấp cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và các chủ nợ chính thức rơi vào bế tắc, nhưng chứng khoán khu vực vẫn hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên giảm mạnh trước đó. Sự hồi phục của chứng khoán châu Âu đến từ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa được công bố. Cho đến nay, có 63% trong số doanh nghiệp của STOXX Europe 600 đã công bố báo cáo có lợi nhuận vượt hoặc như kỳ vọng.
Tuy nhiên, đà hồi phục của chứng khoán châu Âu bị hãm lại do giữ liệu kém khả quan từ Mỹ, cũng như việc đồng euro tăng mạnh.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,16 điểm (+0,09%), lên 6.933,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,47 điểm (+0,20%), lên 11.350,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,52 điểm (+0,15%), lên 4.981,59 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên nghỉ giao dịch thứ 3, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại tiếp tục có phiên giảm điểm sau phiên bị bán tháo trước đó.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 114,63 điểm (-0,41%), xuống 27.640,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 69,44 điểm (-1,62%), xuống 4.229,27 điểm. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục nghỉ giao dịch.
Trong khi đó, bất chấp nhận được thông tin hỗ trợ về dữ liệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân yếu kém của Mỹ, cũng như đồng USD giảm, giá dầu tăng, nhưng vàng vẫn đảo chiều giảm nhẹ trở lại sau 2 phiên tăng giá. Lực bán trong phiên thứ Tư chủ yếu đến từ những người đầu tư theo trường phái kỹ thuật, nên khi giá vàng có ý định leo lên ngưỡng 1.200 USD/ounce, lực bán chốt lời kỹ thuật đã được tung ra, đẩy giá vàng giảm trở lại.
Kết thúc phiên 6/5, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,15%), xuống 1.191,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,9 USD/ounce (-0,24%), xuống 1.190,3 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng lên mức cao mới của năm sau khi cơ quan năng lượng Mỹ công bố, kho dự trữ dầu của Mỹ sụt giảm nhẹ tuần trước, nhưng mức tăng không mạnh khi sản xuất vẫn ổn định. Ngoài dữ liệu kho dự trữ tại Mỹ, thì việc đồng USD giảm, cùng gián đoạn xuất khẩu của Lybia chính là những thông tin hỗ trợ cho giá dầu tăng mạnh thời gian qua.
Kết thúc phiên 6/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,53 USD/thùng (+0,87%), lên 60,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,37%), lên 67,77 USD/thùng.