Theo dữ liệu việc làm vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 10, kinh tế Mỹ tạo thêm 214.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 6 năm, ở mức 5,8%. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp, số lượng việc làm tăng thêm trên mức 200.000, chuỗi dài nhất kể từ năm 1994 cho thấy kinh tế Mỹ đang có sự hồi phục đáng khích lệ.
Tuy nhiên, dù số lượng việc làm tạo thêm khá tốt trong tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn con số 231.000 việc làm theo dự đoán của giới phân tích do Reuters thực hiện trước đó.
Sau báo cao việc làm các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đảo chiều đi lên, trong đó Dow Jones và S&P 500 thành công, thiết lập đỉnh cao mới thứ 3 trong tuần, còn Nasdaq không kịp về đến vạch xuất phát.
Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Dow Jones tăng 19,46 điểm (+0,11%), lên 17.573,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,71 điểm (+0,03%), lên 2.031,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,94 điểm (-0,13%), xuống 4.632,53 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,05%, chỉ số S&P 500 tăng 0,69% và chỉ số Nasdaq tăng 0,04%.
Chứng khoán châu Âu sau phiên hứng khởi thứ Năm sau phát biểu của Chủ tịch ECB Mario Draghi đã quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần khi mối lo về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu vốn của các ngân hàng tăng lên. Báo cáo việc làm của Mỹ không giúp gì cho chứng khoán châu Âu do công bố sau khi thị trường đóng cửa.
Kết thúc phiên 7/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,09 điểm (+0,25%), lên 6.567,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 85,58 điểm (-0,91%), xuống 9.291,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 37,79 điểm (+0,89%), xuống 4.189,89 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,32%, trong khi chỉ số DAX giảm 0,38% và chỉ số CAC 40 giảm 1,02%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi trở lại sau 1 phiên điều chỉnh, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đều đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ. Nhà ảnh hưởng tích cực từ quyết định của BOJ cuối tuần trước, chứng khoán Nhật Bản có tuần tăng ấn tượng gần 3%, trong khi chứng khoán Hồng Kông giảm khá mạnh do kết quả kinh doanh kém khả quan.
Một thông tin đáng chú ý, cũng giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong tuần là nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng 7,21 tỷ USD chứng khoán tương lai của Nhật trong tuần trước, sau 5 tuần liên tiếp bán ròng.
Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Nikkei 225 tăng 87,90 điểm (+0,52%), lên 16.880,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 99,07 điểm (-0,42%), xuống 23.550,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 7,69 điểm (-0,32), xuống 2.418,17 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,84%, chỉ số Hang Seng giảm 1,87% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,08%.
Giá vàng bất ngờ có tăng vọt trong phiên cuối tuần, bù đắp hết những gì đã đánh mất trước đó, thậm chí giúp giá kim loại quý này có tuần tăng giá. Giá vàng tăng nhờ lực mua kỹ thuật, sau đó, giá vàng vượt qua các ngưỡng cản kỹ thuật 1.150 và 1.160 USD, càng kích hoạt lực cầu tự động, kéo giá kim loại quý này lên cao hơn.
Kết thúc phiên 7/11, giá vàng giao ngay tăng 37,20 USD (+3,26%), lên 1.178,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 36,1 USD (+3,16%), lên 1.178,7 USD/ounce. Trong tuần giá vàng giao ngay tăng 0,48%, giá vàng giao tương lai tháng 12 tăng 0,44%.
Dù giá vàng có phiên hồi mạnh cuối tuần, nhưng theo giới phân tích, điều này đang lo hơn đáng mừng, bởi như thế sẽ kích thích lực bán chốt lời. Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh cũng là áp lực lớn lên giá vàng. Vì vậy, đa số chuyên môn đều dự đoán giá vàng vẫn giảm trong tuần tới.
Theo cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong số 36 người tham gia, 23 trả lời trong tuần này, có 6 người dự đoán giá vàng tiếp tục tăng, trong khi 14 người cho rằng giá kim loại quý này sẽ giảm vào tuần tới và 3 người giữ quan điểm trung lập hoặc dự đoán giá sẽ đi ngang.
Trong khi đó, giá dầu cũng hồi trở lại sau dữ liệu lao động khả quan của Mỹ, tuy nhiên, phiên hồi cuối tuần không giúp giá năng lượng này tránh khỏi tuần giảm mạnh tiếp theo.
Kết thúc phiên 7/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,74 USD (+0,95%), lên 78,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,53 USD (+0,64%), xuống 83,39 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,35%, giá dầu thô Brent giảm 2,88%.