Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên lình xình và đóng cửa ít biến động do chịu nhiều tác động trái chiều. Trong khi giá dầu giảm được đánh giá sẽ giúp GDP của Mỹ tăng trưởng thêm 0,4% trong 2 năm tới, hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán, thì cũng giá dầu giảm khiến cổ phiếu năng lượng và các doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành này giảm mạnh, tác động ngược lại lên phố Wall.
Bên cạnh đó, kinh tế EU vẫn đang là mối quan tâm lớn của giới đầu tư toàn cầu, nhất là nhà đầu tư châu Âu và ở phố Wall.
Sau báo cáo của Ủy ban châu Âu và dự báo về hành động của ECB, phố Wall cũng bị tác động, bởi kinh tế EU suy thoái, nhiều công ty lớn của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí nó sẽ lây lan sang nhiều nền kinh tế khác giống như cách đây 7 năm.
Ngoài ra, giới đầu tư phố Wall cũng đang chờ đợi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ. Nhiều dự đoán đảng Cộng Hòa sẽ kiểm soát Thượng viện.
Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Dow Jones tăng 17,60 điểm (+0,10%), lên 17.3383,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,71 điểm (-0,28%), xuống 2.012,10 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,27 điểm (-0,33%), xuống 4.623,64 điểm.
Chứng khoán châu Âu mở đầu phiên giao dịch mới khá tích cực, đa số là phục hồi sau phiên giảm đầu tuần. Tuy nhiên, sau khi Ủy ban châu Âu đưa ra báo cáo cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực xuống còn 0,8% trong năm nay, 1,1% trong năm tới và 1,7% vào năm 2016.
Vào thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp để đưa ra chính sách và hành động mới. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, sẽ khó mong đợi việc nới lỏng chính sách tiền tệ thêm của ECB. Theo một số nguồn tin, đang có 1 sự chia rẽ trong giới lãnh đạo của ECB, làm hạn chế khả năng ngân hàng trung ương này đưa ra chính sách táo bạo hơn để kích thích kinh tế.
Sau những thông tin trên, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt quay đầu giảm điểm và đóng cửa với phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần.
Kết thúc phiên 4/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,00 điểm (-0,52%), xuống 6.453,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 85,23 điểm (-0,92%), xuống 9.166,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 63,84 điểm (-1,52%), xuống 4.130,19 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục phản ứng tích cực với hành động mở rộng gói kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đưa ra cuối tuần trước. Trong phiên thứ Ba, Nikkei 225 lên mức cao nhất 7 năm. Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm nhẹ, trái chiều với chứng khoán Trung Quốc đại lục.
Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Nikkei 225 tăng 448,71 điểm (+2,73%), lên 16.862,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 70,31 điểm (-0,29%), xuống 23.845,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 0,65 điểm (+0,03), lên 2.430,68 điểm.
Thị trường vàng đóng cửa trái chiều trong phiên thứ Ba, trong khi giá vàng giao ngay hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 4 năm, thì giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm nhẹ. Giá vàng vẫn chịu áp lực do đồng USD tăng giá, vì vậy đà hồi này được đánh giá chỉ là phiên hồi kỹ thuật và không chắc chắn.
Kết thúc phiên 4/11, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD (+0,25%), lên 1.168,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 2,1 USD (-0,18%), xuống 1.167,7 USD/ounce.
Theo giới phân tích, Ả Rập Saudi đang đứng trước nguy cơ giảm thị phần và mất dần thị trường Mỹ vào tay các nhà khai thác dầu khác ở Mexico, Canada và chính các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.
Mỹ hiện cũng đã tăng sản lượng dầu khai thác của mình lên mức cao nhất nhiều năm, trong khi lượng nhập khẩu từ Ả Rập Saudi giảm mạnh xuống 894.000 thùng/ngày so với 1,3 triệu thùng/ngày của cùng kỳ năm trước.
Trước nguy cơ trên, Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khảu dầu lửa (OPEC) đã giảm giá dầu cho các khách hàng ở Mỹ. Động thái này của Ả Rập Saudi đã khiến giá dầu tiếp tục sụt giảm mạnh và xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Kết thúc phiên 4/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,59 USD (-2,02%), xuống 77,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,96 USD (-2,31%), xuống 82,82 USD/thùng.
Theo giới phân tích, sự sụt giảm gần đây của giá dầu có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm 0,4% trong 2 năm tới và châu Âu cũng sẽ có chút cải thiện. Trong khi đó, Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới và đang dần trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới được dự báo sẽ có thêm mức tăng trưởng 0,8%.
Mặc dù vậy, giá dầu giảm không phải tất cả đều được hưởng lợi. Theo giới phân tích, Nga và Venezuela, 2 nước xuất khẩu dầu lớn sẽ chịu ảnh hưởng, bởi cả 2 phụ thuộc khá lớn vào sản xuất và xuất khẩu dầu. Ngoài ra, ngân sách của 2 nước này cũng được xây dựng trên giả định giá dầu tăng, hoặc chí ít là ổn định ở mức cao như đầu năm.
Ngày 27/11 tới đây, các thành viên OPEC sẽ nhóm họp ở Vienna (Áo), nhưng giới phân tích nghi ngờ khả năng liên minh này sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc giảm sản lượng. Do đó, sức ép giảm giá đối với dầu vẫn còn.