BOJ đưa chứng khoán lên mây, nhấn vàng xuống mức thấp 4 năm

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố tăng chương trình kích thích kinh tế giúp chứng khoán toàn cầu tăng vọt và thiết lập nhiều mức kỷ lục mới. Trong khi đó, vàng vẫn chưa chấm dứt chuỗi ngày giảm mạnh của mình.
Chứng khoán những phiên cuối tuần liên tiếp nhận được thông tin hỗ trợ - Ảnh: Reuters Chứng khoán những phiên cuối tuần liên tiếp nhận được thông tin hỗ trợ - Ảnh: Reuters

Trong khi chưa kịp hấp thụ hết thông tin tích cực Quỹ hưu trí trị giá 1,1 - 1,2 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản sẽ giảm danh mục trái phiếu và tăng gấp đôi danh mục cổ phiếu cả trong và ngoài nước trong danh mục đầu tư của mình, thì giới đầu tư toàn cầu lại nhận tiếp 1 thông tin tích cực nữa từ Nhật Bản.

Theo đó, BOJ tuyên bố mở rộng gói kích thích kinh tế bằng việc gia tăng mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản, trong khi cũng tăng gấp 3 lần số tiền rót vào các quỹ giao dịch và ủy thác đầu tư bất động sản.

Động thái này của BOJ đưa ra sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định chấm dứt toàn bộ chương trình kích thích kinh tế gần như là liều thuốc bổ bổ sung kịp thời cho giới đầu tư chứng khoán.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, phố Wall đã vọt tăng mạnh và càng về cuối càng nới rộng đà tăng khi giới đầu tư gia tăng mua vào. Đóng cửa, Dow Jones và S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi Nasdaq cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2000.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số Dow Jones tăng 195,1 điểm (+1,13%), lên 17.390,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,40 điểm (+1,17%), lên 2.018,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 64,60 điểm (+1,41%), lên 4.630,74 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,48%, tuần tăng tốt nhất của chỉ số này kể từ tháng 1/2013; chỉ số S&P 500 tăng 2,72%, trong khi tuần trước cũng tăng tới 4,12%, chuỗi 2 tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 12/2011; trong khi đó, Nasdaq là chỉ số có mức tăng tốt nhất tuần qua với mức tăng 4,00%, tiếp nối đà tăng mạnh 4,56% tuần trước.

Hai tuần tăng mạnh vừa qua đã bù đắp những phiên bán tháo giữa tháng 10 khi giới đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế và dịch bệnh Ebola.  

Trong tháng 10, Dow Jones tăng 1,84%, S&P 500 tăng 1,99% và Nasdaq tăng 2,70%. Còn so với mức thấp của phiên 15/10, thời điểm giới đầu tư ồ ạt bán tháo do lo sợ suy thoái kinh tế và dịch bệnh, Dow Jones tăng 7,74%, S&P 500 tăng 8,35% và Nasdaq cũng tăng 9,86%.

Tương tự chứng khoán Mỹ, hay các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu, chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh phiên cuối tuần. Với những thông tin tích cực hỗ trợ từ Nhật Bản, chứng khoán lục địa già cũng có tuần tăng mạnh nhất trong năm nay. Tuy nhiên, tuần tăng mạnh này không giúp các chỉ số chính của châu Âu tránh khỏi mức giảm trong tháng 10.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 82,92 điểm (+1,28%), lên 6.546,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 212,03 điểm (+2,33%), lên 9.326,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 91,85 điểm (+2,22%), lên 4.233,09 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,47%, chỉ số DAX tăng 3,77% và CAC 40 tăng 2,52%. Trong tháng 10, FTSE 100 giảm 1,53%, DAX giảm 1,03% và CAC 40 giảm 2,95%.

Sau tuyên bố của BOJ về việc nâng giá trị chương trình mua trái phiếu từ 60.000-70.000 tỷ yên/năm hiện nay, lên 80.000 tỷ yên/năm, đồng thời tăng gấp 3 lần mua các quỹ giao dịch và ủy thác đầu tư bất động sản Nhật Bản, đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất 7 năm so với đồng USD, trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng vọt gần 5%. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng có phiên tăng mạnh cuối tuần khi dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ được công bố trước đó, cũng như thông tin tích cực từ Nhật Bản.

Kết thúc phiên 31/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 755,56 điểm (+4,83%), lên 16.413,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 296,02 điểm (+1,25%), lên 23.998,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 29,10 điểm (+1,22), lên 2.420,18 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 7,34%, Hang Seng tăng 2,99% và Shanghai Composite cũng tăng 5,12%. Trong tháng 10, Nikkei 225 tăng nhẹ 0,63%, Hang Seng tăng 3,2% và Shanghai Composite tăng 2,58%.

Việc đồng USD tăng mạnh sau quyết định mở rộng gói kích thích kinh tế của BOJ đã khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần, đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp trong tuần của giá vàng và đưa giá kim loại quý này xuống mức thấp nhất 4 năm.

Kết thúc phiên 31/10, giá vàng giao ngay giảm 25,90 USD (-2,16%), xuống 1.172,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 25,1 USD (-2,09%), xuống 1.173,5 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 4,72%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng mất tới 4,73%. Trong tháng 10, giá vàng giao ngay giảm 3,59% và giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng mất 3,86%.

Theo cuộc thăm dò tuần này của Kitco, số người dự báo giá vàng tăng tiếp tục ít hơn số người dự báo giảm. Cụ thể, trong 22 người có câu trả lời, có 7 người cho rằng giá vàng sẽ hồi trong tuần tới, tuần trước là 6 người. Trong khi đó, số người cho rằng giá kim loại quý này sẽ tiếp tục giảm là 14 người, tăng so với 9 người của tuần trước. Số người giữ ý kiến trung lập hoặc cho rằng giá vàng sẽ đi ngang chỉ duy nhất 1 người so với 6 của tuần trước.

Dù dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cũng như BOJ tăng gói kích thích kinh tế, nhưng giá dầu vẫn bị đẩy xuống liên tiếp. Trong phiên cuối tuần giá dầu lại chịu thêm sức ép bởi đồng USD tăng giá. 2 phiên giảm cuối tuần khiến giá dầu tiếp tục có tuần giảm giá và càng làm mức giảm thêm tồi tệ trong tháng 10.

Kết thúc phiên 31/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,58 USD (-0,72%), xuống 80,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,38 USD (-0,44%), xuống 85,86 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,58% và giá dầu thô Brent giảm 0,31%. Trong tháng 10, giá dầu thô thị trường Mỹ giảm tới 17,42%, trong khi dầu thô Brent cũng giảm tới 13,21%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục