Giới đầu tư nín thở chờ FED

(ĐTCK) Cả thị trường chứng khoán và thị trường vàng có phiên giao dịch đầu tuần không nhiều biến động khi giới đầu tư đang chờ cuộc họp của FED vào giữa tuần.
Phố Wall hạ nhiệt do cổ phiếu năng lượng - Ảnh: Reuters Phố Wall hạ nhiệt do cổ phiếu năng lượng - Ảnh: Reuters

Sau tuần tăng điểm tốt, phố Wall đã hạ nhiệt trong phiên đầu tuần mới. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố vẫn khá tích cực.

Theo số liệu của Thomson Reuters, trong số 213 doanh nghiệp của S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, có tới 71,4% số doanh nghiệp có lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích, mức cao nhất kể từ quý III/2011.

Bất chấp kết quả kinh doanh khả quan, cùng với sự hưng phấn vốn có sau tuần tăng mạnh trước đó khi S&P 500 có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2013, nhưng do ảnh hưởng của cổ phiếu năng lượng, phố Wall đã hạ nhiệt trong phiên đầu tuần. Các chỉ số kết thúc phiên đầu tuần mới gần như ít thay đổi, trong đó, Dow Jones và Nasdaq duy trì được sắc xanh nhạt, còn S&P 500 giảm nhẹ.

Giá dầu liên tục sụt giảm đã ảnh hưởng tiêu cực lên nhóm cổ phiếu năng lượng, trong phiên đầu tuần, chỉ số S&P năng lượng giảm tới 2% và đây chính là nguyên nhân khiến chỉ số S&P 500 ngược chiều với 2 chỉ số chính còn lại.

Kết thúc phiên 27/10, chỉ số Dow Jones tăng 12,53 điểm (+0,07%), lên 16.817,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,95 điểm (-0,15%), xuống 1.961,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,22 điểm (+0,05%),  lên 4.485,93 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm, nối tiếp phiên giảm điểm cuối tuần trước. Bất chấp những tín hiệu tích cực được đưa ra từ bên kia bờ Đại Tây Dương, nhưng những vấn đề nội tại kém khả quan của khu vực khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm.

Theo dữ liệu mới được công bố, chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức giảm xuống mức thấp nhất 2 năm. Mặt khác, tình trạng “mua khi có tin đồn và bán khi tin tốt chính thức được đưa ra” không chỉ diễn ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam, mà cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết quả kiểm tra sức khỏe của các ngân hàng khu vực đồng tiền chung của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện là khả quan khi phần lớn ngân hàng vượt qua bài kiểm tra. Tuy nhiên, thông tin này đã bị rò rỉ vào thứ Tư tuần trước, kích hoạt lệnh mua vào mạnh mẽ trong 2 phiên thứ Tư và thứ Năm. Do đó, khi thông tin chính thức được công bố, giới đầu tư đã thực hiện chốt lời, khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm.

Kết thúc phiên 27/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,27 điểm (-0,40%), xuống 6.363,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 85,19 điểm (-0,95%), xuống 8.902,61 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 32,16 điểm (-0,78%), xuống 4.096,74 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm khi mở cửa tuần mới nhờ dữ liệu tích cực từ Mỹ và đồng yên yếu hỗ trợ cho nền kinh tế vốn dựa mạnh vào xuất khẩu này.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục giảm điểm do thỏa thuận về hợp tác giữa 2 sàn giao dịch Hồng Kông và Thượng Hải để đưa chứng khoán Trung Quốc vươn tầm thế giới, thu hút các nhà đầu tư quốc tế sẽ không được đưa ra trong tuần này như kế hoạch ban đầu, gây thất vọng cho giới đầu tư trên 2 sàn này.

Kết thúc phiên 27/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 97,08 điểm (+0,63%), lên 15.388,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 158,97 điểm (-0,68%), xuống 23.143,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 11,84 điểm (-0,51), xuống 2.290,44 điểm.

Giá vàng giảm trong phiên đầu tuần mới khi chứng khoán đang có được sự hấp dẫn với kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp. Ngoài ra, giới đầu tư cả trên thị trường chứng khoán và vàng đều thận trọng trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở thuộc FED (FOMC) vào giữa tuần này. Trong cuộc họp này, nhiều khả năng FED sẽ tuyên bố kết thúc chương trình mua trái phiếu (hay còn gọi là QE3), đồng thời đưa ra kế hoạch về chính sách lãi suất. Nhiều dự đoán cho rằng, FED sẽ duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài nữa, mà không đưa ra thời gian cụ thể tăng lãi suất do dữ liệu kinh tế vẫn chưa thể lạc quan.

Kết thúc phiên 27/10, giá vàng giao ngay giảm 5,9 USD (-0,48%), xuống 1.225,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 2,5 USD (-0,20%), xuống 1.229,3 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục sụt giảm khi Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu trong năm nay, trong khi nguồn cung được dự báo vẫn được duy trì tốt, còn nhu cầu tiếp tục yếu do tình hình kinh tế được dự báo không khả quan.

Kết thúc phiên 27/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,01 USD (-0,01%), xuống 81,00 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,3 USD (-0,35%), xuống 85,83 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục