Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh: Chúng tôi sẵn sàng giảm giá nhà để tạo thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh, doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá bán, âm vào lợi nhuận tích lũy 10 năm qua để khách hàng xem xét, đồng ý xuống tiền.
Ông Trần Quốc Dũng cho biết Hưng Thịnh sẵn sàng bán mà không có lợi nhuận với mong muốn lớn nhất là có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, để khách hàng xem xét, đồng ý xuống tiền. Ông Trần Quốc Dũng cho biết Hưng Thịnh sẵn sàng bán mà không có lợi nhuận với mong muốn lớn nhất là có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, để khách hàng xem xét, đồng ý xuống tiền.

Tại Hội thảo "Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 27/4, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhất là niềm tin của thị trường bị khủng hoảng xuất phát từ những sai phạm dẫn đến bị pháp luật xử lý.

Để giải quyết tình hình này, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị định 65 để điều chỉnh các hành vi sai phạm nhưng chưa có thời gian thẩm thấu, Các chính sách được ban hành xoay chuyển trạng thái rất đột ngột, dẫn đến thị trường càng khó khăn hơn, dẫn đến mất niềm tin của nhà đầu tư, của khách hàng và dẫn đến cuộc tháo chạy khỏi bất động sản, thậm chí tháo chạy khỏi các tổ chức tín dụng.

Mặt khác, việc siết chặt tín dụng và tăng lãi suất từ năm 2022 cũng làm mất niềm tin của các nhà đầu tư đang quan tâm đến bất động sản. Việc khủng hoảng niềm tin như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nói chung, trong đó có bất động sản.

Theo ông Trần Quốc Dũng, lâu nay nhiều người đã có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với ngành bất động sản vì cho rằng “lợi nhuận chúng tôi lớn lắm, cho rằng chúng tôi mua rẻ bán mắc”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải nỗ lực quản trị tài chính, kiểm soát cân đối thu chi rất rõ ràng minh bạch.

“Những khoản chênh lệch lớn, nếu có thì nằm trong các thành phần tham gia khác như các nhà đầu tư thứ cấp, những người mua sau bán sang tay đẩy giá lên cao để hưởng lợi. Thực chất đây không phải là lợi nhuận của chủ đầu tư. Có trường hợp gom đất nông nghiệp rồi chờ thời cơ để sang tay”, ông Dũng nói.

Đại diện Hưng Thịnh cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp để kiểm soát các thành phần tham gia vào thị trường nói trên, kiểm soát các kênh thứ cấp, bao gồm kiểm soát cả việc tư nhân mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp để giá bất động sản phù hợp với khả năng của người dân.

Để vực dậy thị trường bất động sản, và lấy lại niềm tin từ khách hàng, theo ông Dũng, các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc hoạt động trong thời điểm khó khăn. Bản thân Tập đoàn Hưng Thịnh đã và đang làm điều đó: Giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, để giá bất động sản tiệm cận với mong muốn của khách hàng.

Đối với trái phiếu sắp đến hạn, khi Nghị định 08 ra đời, Hưng Thịnh đã ngồi lại với trái chủ để trình bày kế hoạch kinh doanh, phương án để chúng tôi xin gia hạn và phương án tất toán đúng hạn. Các trái phiếu của chúng tôi đều có tài sản bảo đảm. Giá trị tài sản bảo đảm được thẩm định trên tổng dư nợ trái phiếu phát hành đều đảm bảo tỷ lệ đúng quy định. Doanh nghiệp buộc phải bán tài sản để trả nợ cho các trái chủ là đều không ai muốn mà chỉ muốn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp tục sản xuất kinh doanh, có giá trị thặng dư để thực hiện các nghĩa vụ.

Ngoài ra, Hưng Thịnh cũng tiến hành mở khóa thanh khoản bằng cách hạ giá nhà, tăng chiết khấu. “Hiện nay, chúng tôi sẵn sàng bán mà không có lợi nhuận, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, để khách hàng xem xét, đồng ý xuống tiền, qua đó doanh nghiệp có dòng tiền về để tạo thanh khoản, duy trì hoạt động của doanh nghiệp lúc này”, ông Dũng nói thêm.

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Lâm, Chủ tịch Tập đoàn DKRA Việt Nam dẫn lại số liệu của đơn vị này vừa công bố vào quý I/2023 và cho biết nguồn cung và số lượng giao dịch hạn chế dù các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm. Thậm chí có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% nhưng cũng khó bán hàng.

Theo ông Lâm, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin cho bên mua. Trước đây, có gói 30.000 tỷ đồng đã ngay lập tức rõ ràng, rất đơn giản và lãi suất thấp nên khi đó đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội và lan tỏa ra cả thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng. Trong khi đó, hiện nay Ngân hàng nhà nước đang “tung” gói 120.000 tỷ đồng nhưng không ăn thua vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm.

Chính vì vậy, cần giảm lãi suất về mức 5 - 6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại như trước để “kéo” người dân tham gia thị trường. “Hiện hàng tồn kho rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Do vậy, cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động thì mới khơi thông được thị trường”, ông Lâm đề xuất.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục