Phó tổng giám đốc Agribank: Ngân hàng cho vay với lãi suất hấp dẫn nhưng doanh số cho vay vẫn còn thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù ngành ngân hàng đã đưa nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, nhưng vẫn còn những rào cản để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này.
Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8. Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8.

Kịp thời đáp ứng vốn

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Chính phủ đã xác định: Năm 2025 là năm có ý nghĩa để đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030. Tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cụ thể cho từng tỉnh tại Khu vực 8 đạt từ 8-10,5%.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GRDP được giao, tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều ngày 3/4/2025 tại Hà Tĩnh, ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc NHNN đã đề nghị các TCTD cho biết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong Khu vực 8 nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung.

Đại diện Agribank, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc chia sẻ, là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong việc đáp ứng vốn tín dụng, sản phẩm dịch vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và NHNN.

“Tiên phong, gương mẫu triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng trong năm 2024, Agribank chủ động giảm lãi suất cho vay 4 lần, đưa lãi suất cho vay bình quân thời điểm cuối năm giảm gần 2% so với năm 2023 và thuộc nhóm thấp trên thị trường”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cho biết, Agribank hiện quy mô tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, huy động vốn 2,1 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 170 ngàn tỷ trong năm 2024 (chiếm 8,1% dư nợ tăng thêm năm 2024 của toàn hệ thống (2,1 triệu tỷ), tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trên toàn quốc.

Cũng theo ông Ngọc, địa bàn quản lý NHNN Khu vực 8 gồm các tỉnh có nền kinh tế đa ngành với công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, nông – lâm – ngư nghiệp, du lịch và dịch vụ cùng hiện diện với những đặc thù chung của Bắc Trung bộ: địa hình “trên núi dưới biển”, khí hậu khắc nghiệt. Với việc Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng và định hướng phát triển đúng đắn, khu vực này còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai – từ mở rộng các khu kinh tế ven biển, cửa khẩu, đến nâng cao giá trị nông sản và đẩy mạnh du lịch bền vững, tạo động lực đưa đời sống kinh tế – xã hội của vùng ngày một khởi sắc.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, ông Ngọc cho biết, Ngân hàng nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Về cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ: Tại khu vực 8, đến nay hầu như chưa có dự án nào đủ điều kiện triển khai do thiếu quỹ đất sạch, thiếu hướng dẫn pháp lý cụ thể, và mức lợi nhuận tối đa 10% không đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Dù Agribank đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi sâu (giảm đến 3% so với lãi suất trung dài hạn bình quân), nhưng chưa đầu tư được vốn tín dụng phục vụ cho vay chương trình này trên địa bàn.

Đồng thời, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thiếu khung pháp lý rõ ràng. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về phân loại dự án xanh, tiêu chí tín dụng xanh, dẫn đến khó khăn trong thẩm định và triển khai sản phẩm tài chính hỗ trợ lĩnh vực này.

Ngoài ra, mức cho vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 55 vẫn còn thấp (tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân ngoài khu vực nông thôn), chưa phù hợp với thực tế giá cả đầu vào sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng giá mạnh thời gian qua.

Năm đề xuất và kiến nghị

Để hỗ trợ đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đấy tăng trưởng kinh tế, đại diện Agribank đưa ra 5 đề xuất, kiến nghị:

Một là, chính quyền các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tiếp tục công bố danh mục dự án đủ điều kiện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ để các TCTD tiếp cận vốn tín dụng. Các địa phương công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn;

Hai là, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ các TCTD kết nối khách hàng đầu tư vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế; Chỉ đạo phát triển thị trường Bất động sản lành mạnh, minh bạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại địa phương.

Ba là, về đẩy mạnh tín dụng xanh, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng giảm thiểu khí thải, các bộ, ngành cần sớm có các quy định cụ thể về khung pháp lý, sản phẩm tài chính xanh như danh mục phân loại xanh, tiêu chí xác định các dự án được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh…đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp giúp các TCTD, người dân, doanh nghiệp có định hướng đầu tư hiệu quả.

Bốn là, đề nghị NHNN Khu vực 8 quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho các TCTD, trong đó có các chi nhánh của Agribank trên địa bàn, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả, đặc biệt trong công tác ngân quỹ, định hướng đầu tư tín dụng phù hợp với hồ sơ kinh tế địa phương; tăng cường giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời có những thông tin về rủi ro giả mạo, gian lận, lừa đảo trong thanh toán để cảnh báo tới người dân, doanh nghiệp và TCTD, giữ vững ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

"Tăng cường đào tạo, tập huấn cho Agribank trên địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, trình độ và có nhận thức thống nhất chung trong hệ thống", ông Ngọc nói.

Năm là, Agribank đề xuất NHNN có ý kiến Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý thuế, hóa đơn, báo cáo tài chính và có chế tài xử phạt nghiêm đối với các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm đặc biệt là các cá nhân/doanh nghiệp kinh doanh tại địa bàn nông thôn, kinh doanh hàng tiêu dùng, mua bán bất động sản,... tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nói chung và Agribank nói riêng thực hiện thẩm định, thu thập báo cáo tài chính, hóa đơn chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục