“Chúng tôi kỳ vọng giúp các doanh nghiệp, điểm đến sống động trở lại, đồng thời, tạo chu kỳ tăng trưởng mới cho ngành kinh tế xanh”, ông Hà Văn Siêu nói.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Ảnh: Hồ Hạ) |
Chương trình kích cầu đợt hai với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phát động có những điểm gì khác so với lần trước, thưa ông?
Chương trình kích cầu lần này có nhiều điểm khác biệt.
Thứ nhất, ngoài du khách Việt Nam, đối tượng của chương trình kích cầu lần này hướng đến người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và nhóm khách công vụ đi trên các chuyến bay thương mại quốc tế.
Thứ hai, đợt kích cầu này tập trung đẩy mạnh xúc tiến điểm đến, nhất là những điểm đến mới và kết nối các điểm đến này để tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn.
Thời gian qua, các tập đoàn lớn đã cùng với chính quyền địa phương chủ động tạo nên những “ngôi sao mới”. Đơn cử, Khu du lịch, nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh), Khu vui chơi giải trí Núi Bà Đen (Tây Ninh) của Tập đoàn Sun Group là những điểm đến mới hấp dẫn trước đây chưa được du khách biết đến nhiều.
Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup khai trương 7 khách sạn, 1 sân golf , 2 khu vui chơi giải trí và 5 trung tâm thương mại Vincom tại nhiều địa phương trong cả nước. Tập đoàn Thiên Minh khai trương chuỗi khách sạn Tui Blue ở Hội An… Bên cạnh tour mùa lúa chín Tây Bắc, mùa hoa dã quỳ ở Tây Nguyên, mùa nước nổi ở miền Tây, những yếu tố mới đó sẽ góp phần nâng cao tính hấp dẫn, chất lượng của các điểm đến.
Thứ ba, thông điệp của đợt kích cầu này là “an toàn” và “hấp dẫn”, tức là cả người kinh doanh, đón tiếp, phục vụ và du khách đều ở vùng an toàn, được trang bị phương tiện, kiến thức để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng. Giá, chất lượng dịch vụ hấp dẫn hơn.
Một nội dung nữa cũng rất khác biệt là khi tung ra sản phẩm, các doanh nghiệp kèm theo cam kết về hoãn, hủy, đổi tour, dịch vụ rất linh hoạt để du khách yên tâm, tin tưởng rằng, nếu xảy ra vấn đề bất thường, họ vẫn được bảo đảm quyền lợi.
Đặc biệt, trong chương trình kích cầu lần này, Chính phủ, Bộ VHTTDL, Bộ Y tế cùng các địa phương sẽ điều phối để du khách không tập trung quá đông vào một số điểm đến, với mục tiêu phát triển bền vững hơn, giúp tăng số lượng và chú trọng vào chất lượng. Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức sự kiện đinh, trọng điểm để tạo phong trào. Sau đó, các địa phương phát huy tính đặc thù để “nắn” dòng khách vào những điểm đến hấp dẫn.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ. Tổng cục Du lịch có giải pháp hoặc đề xuất gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng này?
Chương trình kích cầu do Bộ VHTTDL phát động là một trong những giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch phục hồi trở lại, người lao động có việc làm, các điểm đến sôi động dần, góp phần giúp bức tranh kinh tế - xã hội sáng sủa hơn.
Cùng với đó, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL có Văn bản số 3406/BVHTTDL-TCDL trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước tác động của đại dịch Covid-19.
Về thuế, phí, Bộ đề xuất điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020 và những năm tiếp theo; xem xét cho giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020, 2021.
Về giải pháp hỗ trợ người lao động, Bộ đề xuất Chính phủ xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp, nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; xem xét tạo thuận lợi hơn về các điều kiện, thủ tục để được nhận hỗ trợ, giúp doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ; xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng được đề cập tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Về tài khóa, tiền tệ, Bộ đề xuất Chính phủ xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12/2021, vì hiện các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi…
Tổng cục Du lịch đã định hướng thế nào cho các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm để ngành kinh tế xanh phát triển bền vững, thưa ông?
Tổng cục Du lịch định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm không làm phương hại đến những yếu tố ngoại quan, phù hợp để đón những thị trường du khách an toàn, yêu thiên nhiên, môi trường, có trách nhiệm.
Covid-19 cũng góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững, vì trùng khớp với nhu cầu, xu hướng của du khách. Điều này buộc các doanh nghiệp phải xây dựng những sản phẩm an toàn, thân thiện, trách nhiệm và bền vững hơn. Đây cũng là một trong những mục tiêu của chiến dịch kích cầu du lịch nội địa “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” lần này.