Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoàn thiện Luật Đất đai để người dân nào đọc cũng hiểu

0:00 / 0:00
0:00
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn được lắng nghe ý kiến góp ý của các tổ chức thành viên mặt trận, nhà khoa học để khi hoàn thành sửa Luật Đất đai thì thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng nhưng người dân nào đọc cũng hiểu.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị - (Ảnh: Ngọc Vinh). Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị - (Ảnh: Ngọc Vinh).

Chiều 21/2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội.

Cho rằng, quá trình sửa Luật Đất đai chính là lúc đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong thể chế hoá chủ trương của Đảng, ông Hà nêu rõ, Quốc hội đã cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ông mong muốn các ý kiến đi thẳng vào các chương, điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiệnl ông Hà phát biểu.

"Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay triển khai không gặp vấn đề gì khó khăn. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì không đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian", Phó thủ tướng nêu quan điểm.

Khắc phục lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân

Là người góp ý đầu tiên, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật Đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.

Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Theo ông Lý, Dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữ chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.

Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo kiểm tra giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.

Liên quan đến tài chính và giá đất, ông Lý nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế quy định trong Dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.

Góp ý về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, so với Luật Đất đai 2013, Dự thảo đã có nhiều quy định cụ thể hơn và khoa học hơn, đã bổ sung quy hoạch cấp tỉnh.

Tuy nhiên, ông Nghiêm đề nghị cần rà soát kỹ hơn để tránh trùng lặp với quy hoạch cấp tỉnh, huyện đang triển khai theo Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định lồng ghép trong quy hoạch cấp tỉnh.

Vẫn theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cần xem lại quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67). Vì với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế cần nghiên cứu từ kết quả giám sát về quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch 2017.

Ông Nghiêm cũng đề nghị khi lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục