Từ Luật Khám chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội "lo" sửa Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Từ thực tế sửa Luật Khám, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lo rằng, nếu sửa Luật Đất đai cũng vận hành như thế thì sẽ vất vả lắm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận.

Tiếp tục phiên họp thứ 20, sáng 14/2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV, đều diễn ra trong tháng 1/2023.

Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết hai kỳ họp trên, Tổng thứ ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, thành công của 2 kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và Nhân dân.

Điểm lại một số kết quả chủ yếu của kỳ họp thứ hai, liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ông Cường nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, định hướng công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nên đã được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 3 kỳ họp.

Tuy nhiên, đây cũng là dự án luật đã không được thông qua đúng chương trình (kéo dài thêm 1 kỳ họp) và nhiều ý kiến đại biểu vẫn lo lắng đến phút cuối vì những vấn đề lớn được chuẩn bị khá cập rập (như Hội đồng y khoa quốc gia, tự chủ bệnh viện...).

Nhìn lại cả quá trình xây dựng luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hơn một lần nhắc đến hai từ vất vả.

Công tác chuẩn bị luật này thế nào, tại sao vất vả thế, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xắn tay vào thì làm sao mà trình Quốc hội thông qua được. Thế cái gì cần rút kinh nghiệm ở đây, vào thời điểm cốt tử mà hội đồng y khoa quốc gia, bốn cấp thành ba tuyến khám chữa bệnh, rồi tự chủ bệnh viện vẫn ngổn ngang... cần nghiêm túc nhìn nhận xem Chính phủ đã đầu tư công sức chuẩn bị luật đủ chưa, ông Vương Đình Huệ gợi ý trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Tiếp đó, khi kết luận, Chủ tịch Quốc hội thêm một lần nhắc đến sự vất vả khi mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội thậm chí phải cho ý kiến vào bố cục và nội dung từng điều của Luật Khám, chữa bệnh.

Liên hệ đến nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của Quốc hội trong năm 2023 - sửa Luật Đất đai, ông Vương Đình Huệ sốt ruột khi việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật này vẫn im lìm, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chủ động kéo dài thời gian đến 15/3 (Chính phủ chỉ đề nghị đến hết tháng 2/2023).

Sửa Luật Đất dai mà cũng vận hành như Luật Khám chữa bệnh thì vất vả lắm, vì luật này khó hơn nhiều. Vậy nút thắt thể chế là gì, chính sách hiện nay sơ hở cái gì... hôm trước đã cảnh báo đừng lấy ý kiến cho có, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong sửa Luật Đất đai, hiện nay đã là giai đoạn sát sườn rồi, vì thế nên đi thẳng góp ý vào các điều luật, chứ không nên nói nhiều về nguyên tắc, mục tiêu xây dựng luật nữa.

Cũng liên quan kết quả kỳ họp bất thường lần thứ hai, về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, đây là nội dung lớn, mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ và được xây dựng lần đầu theo quy định của Luật Quy hoạch, nên đã được Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng. Hồ sơ tài liệu được xây dựng công phu, nghiêm túc với khối lượng thông tin phong phú, đa dạng, cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế. Báo cáo thẩm tra đã đánh giá khách quan, toàn diện hồ sơ quy hoạch, chỉ ra các vấn đề tồn tại, chưa được làm rõ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết… Trên cơ sở đó, các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu sâu, đóng góp nhiều ý kiến giá trị, sát thực, tập trung vào những vấn đề lớn, góp phần nâng cao tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đảm bảo chất lượng, có tính khả thi.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục