Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Hỗ trợ tối đa để ngân hàng giảm lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tạo điều kiện cho mọi ngân hàng có nhu cầu nới room tín dụng, song vẫn kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Thưa bà, tín dụng 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng chậm. NHNN sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi?

NHNN luôn cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đầu năm nay, khi Covid-19 chưa tác động đến nền kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra là 14%. Tuy nhiên, đại dịch đã tác động mạnh đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân rất thấp. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 16/9/2020 chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019.

Thời gian qua, NHNN đã nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức NHNN đã phê duyệt đầu năm. Sắp tới, tổ chức tín dụng nào có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét trên tinh thần vừa tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay, một bộ phận lớn khách hàng của các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực còn rất mỏng. Để tăng tín dụng vào khối doanh nghiệp này, rất cần những chính sách bảo lãnh, các quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vào cuộc để ngân hàng yên tâm cho vay.

Gần đây, nhiều ngân hàng lại đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động. Liệu NHNN có cắt giảm thêm lãi suất trong thời gian tới, thưa bà?

Về chủ trương, NHNN rất muốn và sẽ cố gắng phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chính vì vậy, trong điều hành, chúng tôi sẽ điều tiết thanh khoản tạo thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng, sẵn sàng cho vay tái cấp vốn, nếu các tổ chức tín dụng có nhu cầu nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ để cho doanh nghiệp, người dân vay.

NHNN cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính của mình, tiết kiệm chi phí, kể cả lương thưởng, trả cổ tức tiền mặt, để có nguồn vốn rẻ hỗ trợ khách vay.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi sát kinh tế vĩ mô, “sức khỏe” và thanh khoản của hệ thống để đưa ra quyết định điều chỉnh các chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, để vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh mua trái phiếu bất động sản, dù tín dụng bất động sản vẫn đang bị NHNN kiểm soát chặt. Điều này có đáng lo?

Về tín dụng, chủ trương của NHNN là mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Những năm qua, Thống đốc NHNN luôn chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro như bất động sản, giao thông…, do đây là những lĩnh vực có kỳ hạn vay dài, trong khi vốn huy động của tổ chức tín dụng chủ yếu là kỳ hạn ngắn, dẫn tới rủi ro về kỳ hạn rất lớn.

Riêng về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, NHNN vẫn đang theo sát hoạt động mua trái phiếu của các ngân hàng. NHNN đang tính dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp vào dư nợ tăng trưởng tín dụng chung của tổ chức tín dụng - đây cũng là một sự kiểm soát của NHNN đối với lĩnh vực này. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của NHNN thường xuyên theo dõi báo cáo của tổ chức tín dụng, nếu tổ chức nào có tỷ lệ tập trung cao vào lĩnh vực rủi ro, trong đó có trái phiếu, sẽ ngay lập tức bị cảnh báo.

Trước tác động tiêu cực kéo dài của Covid-19 với nền kinh tế, Chính phủ dự kiến đưa ra gói hỗ trợ thứ hai với người dân, doanh nghiệp. NHNN sẽ có thêm những chính sách gì hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp trong gói hỗ trợ lần này, thưa bà?

Ngân hàng là một trong những ngành vào cuộc sớm nhất trong việc đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ mà ngành ngân hàng đưa ra trúng và đúng với nhu cầu thực tế. NHNN cũng rất chủ động, sau khi ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN được vài tháng đã tổ chức các đoàn khảo sát tại một số tỉnh, thành phố để nắm bắt vướng mắc, từ đó đưa ra dự thảo sửa đổi.

Do sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN liên quan chức năng, nhiệm vụ một số bộ, ngành, nên trong quá trình sửa đổi phải xin ý kiến, gần đây nhất là ý kiến của Bộ Tài chính. Sau khi thống nhất, NHNN sẽ sớm ban hành thông tư sửa đổi. Đồng thời, như đã nói ở trên, NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về thanh khoản, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiết giảm thêm chi phí để có nguồn vốn rẻ cho người dân, doanh nghiệp vay.

Về gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ hai của Chính phủ, tại các cuộc họp tham vấn ý kiến gần đây, các chuyên gia tài chính - ngân hàng đều đánh giá cao sự nhanh nhạy, kịp thời, có hiệu quả cụ thể của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, so với các nước, các gói hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ. Vì vậy, phần lớn ý kiến đều cho rằng, cần có các chính sách quyết liệt hơn để hỗ trợ người dân, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tài khóa.

Trong đánh giá mới nhất về Covid-19 và chính sách ứng phó của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, các giải pháp chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua là phù hợp, song dư địa chính sách tiền tệ đang dần bị thu hẹp. IMF khuyến nghị, Việt Nam cần có liều lượng chính sách nhiều hơn từ chính sách tài khóa.

Về phía ngân hàng, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, song cũng không thể lơ là công tác đảm bảo an toàn hệ thống.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục