Dư địa giảm lãi suất cho vay

(ĐTCK) Với trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 6 tháng trở xuống vừa được điều chỉnh từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm thì lãi suất vay ngắn hạn sẽ sớm giảm thêm.
Với các kỳ hạn dài, lãi suất huy động vẫn cao Với các kỳ hạn dài, lãi suất huy động vẫn cao

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra và cả khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, cầu vốn của doanh nghiệp chủ yếu ngắn hạn để xoay vòng nhanh. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp giảm lãi suất điều hành thời gian gần đây đã thêm điều kiện cho ngân hàng giảm hơn nữa lãi suất cho vay ngắn hạn.

Lãi suất kỳ hạn ngắn giảm nhanh

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành ngân hàng Việt Nam đã sớm vào cuộc giảm lãi suất khá tích cực. Với vai trò điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm vào 17/3 và NHNN vừa ra quyết định tiếp tục hạ nhiều loại lãi suất từ 13/5.

Dư địa giảm lãi suất cho vay ảnh 1

TS. Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính, ngân hàng

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm.

Đồng thời, NHNN cũng quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD); trong đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016 cũng được điều chỉnh giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Cùng với đó là việc ban hành các chính sách để các ngân hàng thương mại (NHTM) có cơ sở cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi vay cho khách hàng của mình do ảnh hưởng dịch. Đồng thời, NHNN tái cấp vốn 16.200 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với lãi suất 0%/năm trong gói an sinh xã hội.

Các NHTM đi đầu là nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) đã giảm lãi suất rất mạnh trên quy mô hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ theo kế hoạch công bố. Lãi suất vay thấp của các tổ chức này đã khá tiệm cận lãi suất huy động. Tuy nhiên, không chỉ các nhà băng có vốn nhà nước mà hầu hết các NHTM cổ phần trong hệ thống đã sớm vào cuộc chung tay chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Bởi không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn “cứu” chính bản thân ngân hàng vượt qua khó khăn, tránh rủi ro nợ xấu khi sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp ảnh hưởng.

Ở nhóm các NHTM lớn, việc ban hành các chương trình hỗ trợ mạnh tay cũng đưa lãi suất cho vay về khoảng từ 6%/năm và khoảng 7-8%/năm ở nhà băng khác. Đặc biệt, sau đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN và đưa trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống về 4,25%/năm, lãi vay nhiều nhà băng sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Trong đó, phải kể đến là lãi suất cho vay vốn ngắn ngày.

Chi phí đầu vào của ngân hàng được tiết giảm thêm 0,5%/năm so với trước ngày 13/5/2020. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, đáp ứng cầu vốn ngắn ngày của doanh nghiệp củng cố lại hoạt động sau đại dịch. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn của nhiều ngân hàng đã về sát lãi suất huy động. Thậm chí, nếu so với lãi suất huy động kỳ hạn dài ngày 7-8%/năm hiện nay thì lãi suất cho vay ngắn hạn đối tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 còn thấp hơn.

Kỳ hạn dài khó giảm sâu

Để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, việc giảm lãi suất vay về sát mức lãi suất huy động chắc chắn phần nào đó khiến nhà băng phải gánh lỗ. Và thực tế, lợi nhuận quý đầu năm nay của ngành ngân hàng đã bị ảnh hưởng, khả năng sẽ kéo dài trong các quý tới đây. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn đang phải nỗ lực theo hướng chia sẻ khó khăn cùng khách hàng để củng cố hoạt động sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thực tế, chi phí huy động vốn đầu vào của ngân hàng thời gian qua chỉ giảm mạnh ở kỳ hạn 6 tháng trở xuống, sau khi trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn này được cắt giảm 2 lần kể từ đầu năm 2020 đến nay.   


Tuy vậy, dư địa giảm lãi vay vẫn còn, nhất là sau động thái trên của NHNN. Các ngân hàng sẽ vào cuộc giảm lãi suất đầu vào ở kỳ hạn ngắn để giảm thêm lãi vay. Để hỗ trợ khách hàng và giải ngân được vốn, ngân hàng cũng khó “neo” lãi vay cao.

Theo nhiều dự báo, lạm phát ở quý II/2020 khó trở thành nguy cơ lớn của nền kinh tế khi tổng cầu thấp, tỷ giá đã được NHNN cam kết điều hành ổn định với nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể tới 84 tỷ USD. Song lãi suất cho vay của các NHTM vẫn khó giảm mạnh xuống mức quá sâu. Đặc biệt là lãi vay vốn trung và dài hạn bằng VND.

Vì thực tế, chi phí huy động vốn đầu vào của ngân hàng thời gian qua chỉ giảm mạnh ở kỳ hạn 6 tháng trở xuống sau khi trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn này được cắt giảm 2 lần kể từ đầu năm 2020 đến nay. Trong khi đó, với các kỳ hạn dài ngày từ 6 tháng trở lên, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng vẫn ở mức cao. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 7 - 12 tháng tại các ngân hàng hiện dao động 6,5 - 7%/năm và khoảng 7,5-8%/năm ở các nhà băng nhỏ hơn.

Như vậy, lãi suất cho vay ra đối với vốn trung, dài hạn khó có thể thấp hơn mức này, đó là chưa kể việc tái cơ cấu nguồn vốn trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN nên các ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi kỳ hạn trung, dài hạn để thu hút nguồn vốn.

Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điểm đáng chú ý tại thông tư này chính là lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn: 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và từ 1/10/2022 sẽ chỉ còn là 30%. Lộ trình này đưa ra đã được tính toán nên khó có thể gia hạn thêm thời gian. Vì thế, khả năng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dài ngày khó kỳ vọng giảm sâu.

Nhu cầu vốn của khách hàng đang dần được cải thiện sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam vừa mới kiểm soát được dịch Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp chưa thể hồi phục và trở lại như trước nên nhu cầu vốn cũng chủ yếu ngắn hạn để dần ổn định trở lại các hoạt động của mình.

Vả lại, hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và chưa thể kiểm soát được nên ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Do đó, cần thời gian để sức khỏe doanh nghiệp trở lại như trước và tái triển khai các dự án mới, nhu cầu vốn kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong những quý còn lại của năm 2020. 

Mặt khác, việc giảm lãi vay cũng phải được tính toán mức hợp lý chi phí đầu vào và lãi suất cho vay ra. Từ góc độ tổ chức kinh doanh tiền tệ, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm chính với các khoản cho vay của mình, với tiền của cổ đông, của tổ chức, cư dân mà họ huy động vào và pháp luật của Nhà nước.

Các khoản vốn cho vay ra cũng phải kiểm soát được chất lượng tín dụng để tránh rủi ro nợ xấu tăng. Bởi thực tế, ngành ngân hàng cũng đã có khoảng 5 năm vật lộn với nợ xấu. Nếu không thận trọng kiểm soát rủi ro có thể quay trở lại vạch xuất phát của 10 năm trước. Các ngân hàng cũng sẽ kiểm soát tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất và có rủi ro cao.

TS. Huỳnh Trung Minh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục