Lãi suất vay ngoại tệ phụ thuộc vào doanh nghiệp
BIDV đang triển khai gói tín dụng quy mô 100 triệu USD với lãi suất thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay USD thông thường dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tương tự, Vietcombank cũng đã thông báo giảm 0,5%/năm lãi suất đối với dư nợ cho vay bằng USD.
Tuy nhiên, mức giảm trên có lẽ chưa đáp ứng được nhu cầu, nên Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cùng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ký vào bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị giảm lãi suất thêm 2-3 điểm phần trăm đối với khoản vay USD.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, nhìn lại từ năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương giảm tình trạng “đô-la hóa” trên thị trường cho thấy, chủ trương này đã hỗ trợ tích cực cho việc điều hành tỷ giá của NHNN, giảm bớt được rủi ro trong việc đầu cơ tỷ giá của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, kể cả những khủng hoảng hay những lần giảm lãi suất trên thị trường thế giới khiến USD tăng giá, nhưng đồng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, thanh khoản USD trên thị trường luôn ổn định.
Gần đây nhất, theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2019, sẽ chỉ còn các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là được vay ngoại tệ.
Liên quan đến việc doanh nghiệp được vay USD, ông Trung chia sẻ thêm, giá vay sẽ tùy thuộc vào sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp.
Ở nước ngoài có những tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam chưa có, nên các ngân hàng sẽ tổ chức xếp hạng doanh nghiệp theo thang điểm nội bộ của ngân hàng.
“Để ra được mức lãi suất cho doanh nghiệp vay USD, ngân hàng sẽ đánh giá sức khỏe tài chính trên cơ sở phương án kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ, nếu là ngành dệt may thì nguyên liệu đầu vào có ổn định hay không, đầu ra bán hàng cho ai… để đánh giá cả người mua), có tài sản thế chấp hay không, rồi tài sản tốt đến mức nào. Nói đơn giản hơn, mức lãi suất cho vay ngoại tệ như thế nào phụ thuộc lớn vào chính doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu đều đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, không chỉ thiếu nguyên liệu để sản xuất vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mà cả đầu ra của sản phẩm cũng gặp khó do nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu… cũng đang bị dịch bệnh hoành hành.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam nhận định, về mặt định hướng, NHNN đã rất rõ ràng trong việc giảm cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang hình thức mua bán ngoại tệ và cho vay bằng đồng nội tệ.
Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc cho phép và hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu bằng ngoại tệ có thể được cân nhắc cho vay ngoại tệ với mức lãi suất thấp hơn. Việc ấn định mức lãi vay hay chính sách hỗ trợ tùy thuộc vào chính sách của NHNN và nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Các ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh vốn, nên không thể làm gì vượt quá quy định. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên lập ra quỹ để bảo lãnh doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 hiện nay”.
Tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định thời gian tới
Diễn biến thị trường ngoại hối trong tháng 4 cho thấy xu hướng hạ nhiệt khá nhanh sau giai đoạn căng thẳng vào cuối tháng 3. Tỷ giá USD/VND đã giảm mạnh khoảng 150 điểm trong một vài phiên đầu tháng, sau đó chủ yếu đi ngang trong biên độ khoảng 23.450-23.500 đồng/USD ở phần còn lại của tháng.
Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch cũng giảm mạnh về mức khoảng 23.500-23.550 đồng/USD, thu hẹp mức chênh lệch giữa 2 thị trường còn khoảng 40-50 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá khoảng 1,2% so với USD và ở mức khá thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực như THB (-8,8%), MYR (-5,2%), SGD (-5,1%), KRW (-5,7%), CNY (-1,5%)…
Nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV dự báo, trong tháng 5, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì sự ổn định trong biên độ 23.450-23.550 đồng/USD khi các nhóm yếu tố hỗ trợ và gây áp lực ở trạng thái giằng co: Thứ nhất, cán cân thương mại tiếp tục duy trì nhập siêu ở mức khoảng 1 tỷ USD khi hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm, đồng thời nhu cầu nhập khẩu gia tăng khi các hoạt động sản xuất bình thường trở lại;
Thứ hai, nguồn giải ngân FDI và kiều hối dự kiến kém dồi dào do tình hình dịch bệnh kéo dài; thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục duy trì bán ròng và rút vốn theo xu hướng chung tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu.
Theo đó, dự báo chênh lệch cung - cầu ngoại tệ sẽ có thể thu hẹp về mức cân bằng, hoặc thâm hụt nhẹ trong tháng 5.
Bên cạnh đó, môi trường quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù giai đoạn căng thẳng nhất của thị trường tài chính quốc tế đã đi qua, tâm lý chủ đạo của nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ là tương đối thận trọng.
Tăng trưởng GDP của Mỹ và các nước EU được dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn trong quý II do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Thêm vào đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang trở lại sau phát biểu đe dọa của Tổng thống Trump mới đây cũng sẽ là một rủi ro mà thị trường quốc tế phải đối mặt.
“Thị trường thế giới còn nhiều biến động trong thời gian sắp tới, nhất là khi quan hệ Mỹ -Trung có những dấu hiệu căng thẳng trở lại thời gian gần đây. Điều này có thể dẫn đến những biến động của thị trường tài chính và tỷ giá của những dòng tiền trong khu vực và thế giới, từ đó tác động lên tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, ngoại trừ những biến động mạnh nói trên, tình hình kinh tế và vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định và tích cực hơn các nước trong khu vực là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho tỷ giá thời gian tới”, ông Khoa nêu quan điểm.