Hệ thống ngân hàng và những điểm sáng
Báo cáo Điểm lại 2019 - cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên của WB dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ trên tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng giảm từ 10,8% vào tháng 12/2015 xuống 7,7% trong tháng 6/2019. Đồng thời, tỷ trọng cho vay bằng ngoại tệ cũng giảm từ 9,1% xuống 6,5%.
Ngoài duy trì chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng không (áp dụng từ năm 2015), NHNN còn ban hành Thông tư 42/2018 về việc cấm cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ từ đầu năm 2019 và cấm cho vay trung - dài hạn bằng ngoại tệ từ tháng 10/2019.
Hiện nay, các đơn vị nhập khẩu có nhu cầu phải mua ngoại tệ. Các biện pháp trên phù hợp với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn hoạt động cho vay ngoại tệ, giảm tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ trên tổng tiền gửi xuống dưới 5% vào năm 2030 như đã nêu trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 986/2018.
Bên cạnh đó, sự ổn định trong khu vực ngân hàng tiếp tục được cải thiện, phản ánh một số tiến triển về giải quyết nợ xấu và lợi nhuận cao hơn ở khu vực này.
Theo Báo cáo, tỷ lệ nợ xấu hiện nằm dưới 2% vào cuối quý III/2019 (và dưới 5% nếu tính cả nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC).
Nghị quyết 42/2018 của Quốc hội được triển khai giúp các tổ chức tín dụng và VAMC đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Theo thống kê của NHNN, trong 2 năm (từ tháng 8/2017 - tháng 8/2019), mỗi tháng có 9.600 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, cao hơn 4.700 tỷ đồng so với bình quân hàng tháng thời kỳ trước khi có Nghị quyết 42.
Không chỉ nợ xấu được cải thiện, theo Báo cáo, tình hình nợ xấu ngầm ẩn của các doanh nghiệp nhà nước và nợ ngoại bảng cũng tiến triển khi tỷ trọng nợ này trong danh mục của các ngân hàng giảm từ 7,6% cuối năm 2016 xuống 3,9% cuối quý I/2019.
Các biện pháp chủ động như thu hồi và bán tài sản thế chấp (nhà đất...), tái cơ cấu nợ nương theo biến động chu kỳ, bán nợ xấu… đã góp phần đem lại kết quả tích cực trên.
Những thách thức
Thách thức đầu tiên được các chuyên gia WB chỉ ra là phân bổ tín dụng của ngân hàng từ trước đến nay vẫn nghiêng về phía khu vực Nhà nước.
Gần đây, tín dụng tiêu dùng dưới hình thức vay thế chấp mua nhà, vay mua xe ô tô, tín dụng tiêu dùng cá nhân không cần đảm bảo đã tăng mạnh, từ 5,6% trong tổng tín dụng năm 2014 lên 19,7% năm 2018.
“Sự tập trung này không chỉ khiến cho khu vực ngân hàng đối diện với nhiều nguy cơ hơn trước các cú sốc, mà còn góp phần gây lấn át tín dụng có thể dành cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - hiện chỉ chiếm một tỷ lệ hạn chế trên thị trường tín dụng ở Việt Nam”, chuyên gia tài chính của WB quan ngại.
Thách thức thứ hai là thị trường tài chính tập trung quá nhiều vào tín dụng của khu vực ngân hàng.
Nguồn vốn từ các công cụ như trái phiếu và cổ phiếu đạt xấp xỉ 40% ở Việt Nam vào cuối năm 2018 - tỷ trọng này tuy tăng mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn cách xa so với các quốc gia phát triển hơn không chỉ trên thế giới, mà còn cả trong khu vực.
Chẳng hạn, quy mô thị trường trái phiếu trong nước và mức vốn hóa trên thị trường của các doanh nghiệp niêm yết tại Thái Lan, Philippines và Indonesia vượt xa so với giá trị tín dụng trong nước của khu vực ngân hàng.
Hơn nữa, trái phiếu chính phủ ở Việt Nam chiếm đến gần một nửa quy mô thị trường trái phiếu, nên các công cụ dành cho khu vực tư nhân chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn.
Ông Alwaleed Fareed Alataba, chuyên gia trưởng Thị trường tài chính Việt Nam của WB cho rằng, cần phát triển các thị trường vốn vận hành tốt, làm nền tảng cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
“Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Lý thuyết kinh tế học và bằng chứng thực nghiệm đều cho rằng tăng trưởng kinh tế và phát triển các thị trường tài chính có quan hệ tương quan chặt chẽ. Hầu hết các nền kinh tế thu nhập cao trên thế giới cũng là nơi có tỷ lệ tín dụng trên GDP cao nhất.
Mối tương quan này cũng được thể hiện rõ ở Việt Nam khi tăng trưởng kinh tế cao trong 25 năm qua diễn ra song hành với tín dụng ngân hàng tăng vọt từ 17% GDP vào năm 1996 lên khoảng 130% GDP vào năm 2018.
Hiện tại, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức cao nhất trong số các quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp và ngang bằng với một số quốc gia OECD. So sánh trên cho thấy, khu vực ngân hàng dường như đã phát triển quá nhanh so với quy mô của nền kinh tế.
Có ý kiến cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của khu vực ngân hàng dù đem lại lợi ích, nhưng lại tạo ra một số thách thức, làm cản trở sự trỗi dậy của khu vực tư nhân năng động.