Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm một loạt lãi suất điều hành, giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm, ồng thời lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay thuộc một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên cũng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng điều chỉnh giảm thêm.
Tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra với lãi suất vay vốn trung - dài hạn. Sự truyền tải chậm cơ chế lãi suất ở nước ta vẫn thường được nhắc tới với tên gọi “đỗ trễ chính sách”.
PGS-TS. Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đánh giá, quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN sẽ tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.
Mặt khác, theo ông Khánh, cần cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu lạm phát 4% của năm 2020 để giúp NHNN có dư địa đủ lớn cho việc nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất không chỉ dừng lại ở lãi suất liên ngân hàng, mà phải đảm bảo tác động làm hạ thấp mạnh hơn nữa lãi suất cho vay kể cả lãi suất của các món nợ cũ, thay vì chỉ có khoản vay mới.
Thực tế, để giải ngân được vốn trong bối cảnh thị trường có khó khăn sau khi kiểm soát dịch Covid-19 không phải là điều dễ dàng đối với các ngân hàng.
Việc giảm lãi suất vay về sát gần mức lãi suất huy động chắc chắn phần nào đó, nhà băng có thể phải gánh lỗ. Thực tế cho thấy, lợi nhuận quý đầu năm nay của ngân hàng đã bị ảnh hưởng, khả năng sẻ kéo dài trong các quý tới đây.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, ngân hàng vẫn đang phải nỗ lực theo hướng chia sẻ khó khăn cùng khách hàng để củng cố hoạt động sau ảnh hưởng bởi dịch.
Tuy vậy dư địa giảm lãi vay vẫn còn, nhất là sau khi NHNN giảm thêm lãi suất điều hành giữa tháng 3/2020. Các ngân hàng sẽ vào cuộc giảm lãi suất đầu vào ở kỳ hạn ngắn để giảm thêm lãi vay.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung - dài hạn được nhận định khó có thể giảm sâu. Vì thực tế, chi phí huy động vốn đầu vào của ngân hàng thời gian qua chỉ giảm mạnh ở kỳ hạn 6 tháng trở xuống sau khi trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn này được cắt giảm 2 lần kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Trong khi đó, với các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng vẫn ở mức cao.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 7-12 tháng tại các ngân hàng hiện giao động 6,5-7%/năm và khoảng 7,5-8%/năm ở các nhà băng nhỏ hơn.
Như vậy, lãi suất cho vay ra đối với vốn trung - dài hạn khó có thể thấp hơn mức này, đó là chưa kể việc tái cơ cấu nguồn vốn trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN nên các ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài để thu hút nguồn vốn.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương cũng cho rằng, áp lực lạm phát 2020 không đáng kể nên có thể tự tin mở rộng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ không dễ để mở rộng, bởi trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ kéo theo nhu cầu vốn giảm. Hay nói cách khác, tiền không thể ra được nền kinh tế.
Cũng theo ông Tú Anh, chính sách tiền tệ có mối liên quan chặt chẽ với chính sách tài khóa. Nếu chính sách tài khóa giải ngân được tiền (gói 700.000 tỷ đồng đầu tư công, đặc biệt là số tiền Kho bạc Nhà nước đang gửi ở hệ thống các ngân hàng) ra nền kinh tế, thì tiền sẽ quay lại các TCTD.
“Khi đó, sẽ giảm áp lực huy động cho các ngân hàng do lượng tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế tăng lên. Đồng thời, sẽ khiến lãi suất huy động giảm, tạo điều kiện để kéo theo lãi suất cho vay giảm”, ông Tú Anh cho biết.
Vụ Trưởng Vụ tín dụng (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho hay, muốn có điều kiện giảm lãi suất trước hết phải giảm lãi suất đầu vào, mà muốn giảm được lãi suất đầu vào đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và tỷ giá.
Với chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, ổn định của NHNN, ông Hùng tin rằng, lãi suất sẽ ổn định và giảm dần.
Hiện NHNN cũng đã giảm dần lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các TCTD giảm thêm lãi suất đầu vào và đầu ra, chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19. Mặt bằng lãi suất được ông Hùng nhận định rằng, khả năng sẽ giảm thêm thời gian tới. Tuy nhiên, lãi suất khó giảm sâu.