“Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp. Thế mà cái gì doanh nghiệp cũng phải đi xin, đi làm thủ tục thì mất thời cơ, cơ hội kinh doanh”, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Nhận xét trên được ông Định đưa ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) sáng 7/10.
Khoản 2, Điều 27 Dự thảo quy định, doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng không không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ đồng tình nên cấm doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.
Nhưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Dự thảo đang quy định chưa phù hợp thực tế. Ông Thanh dẫn chứng, trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sau khi cơ cấu, sắp xếp lại dư ra các văn phòng, trụ sở nhưng lại không được cho thuê. Họ muốn cho thuê số văn phòng, trụ sở dư thừa sẽ phải có trong dự án đầu tư, cơ quan thẩm quyền phê duyệt, quyết định. Việc này dẫn tới sự lãng phí. Vì thế, ông Thanh đề nghị rà soát lại quy định nêu trên.
Đồng tình với quy định doanh nghiệp có vốn nhà nước không được đầu tư bất động sản trừ những doanh nghiệp có chức năng, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, tư tưởng nhất quán là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.
“Thế mà cái gì cũng phải đi xin, doanh nghiệp phải đi làm thủ tục thì mất thời cơ, cơ hội kinh doanh. Đã giao vốn thì coi như vốn của người ta để người ta làm. Cái gì cũng phải xin, xin mức độ thôi chứ, xin hết theo luật này lại còn theo luật khác”, ông Định phát biểu.
Theo điều 25 về nguyên tắc quản lý hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp thì các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư công được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư hoặc pháp luật đầu tư công.
Các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải phê duyệt chủ trương đầu tư ngoài quy định trên được thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan….
“Đọc điều 25 thấy không thể làm được gì cả. Tại sao tư nhân người ta làm hiệu quả vì người ta tiết kiệm thời gian, thủ tục, giảm được chi phí xin chỗ nọ, chỗ kia, để nghiên cứu được giấy tờ xin như vậy phải thuê tư vấn, chi phí lớn”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Nêu yêu cầu phải hạn chế cơ chế xin - cho, ông Định nói rõ đây là vấn đề Thủ tướng nói nhiều lần nhưng Dự thảo chưa thể hiện được bao nhiêu. Tương tự, quy định tách chức năng chủ sở hữu và quản lý nhà nước cũng như nội dung tăng cường phân cấp, phân quyền, theo ông Định cũng chưa được nhiều. Nếu không phân cấp, phân quyền, cái gì cũng phải trình cấp trên thì không làm được, ông Định nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề quy định tại dự thảo luật đã đảm bảo đồng bộ với các luật khác như luật Đầu tư hay Luật Xây dựng, cũng như xử lý dứt điểm những vướng mắc trong thực tế được các doanh nghiệp nhà nước nêu ra vừa qua hay chưa?
Sửa luật lần này cần tách bạch rõ chức năng của các bộ, ngành quản lý DNNN, tránh việc “chỗ này tưởng chỗ kia quản”, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, ông Mẫn yêu cầu.