Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các dự án điện gió trên đất liền thường cần khoảng 2 năm để phát triển dự án, trước khi đi đến quyết định đầu tư tài chính.
Tuy nhiên, chỉ còn 14 tháng nữa là giá FIT hiện tại hết hạn, điều này đã gây ra những thách thức đối với các dự án mới vì phải hoàn thành đúng thời hạn để đủ điều kiện tham gia giá FIT. Do đó, các nhà đầu tư không sẵn sàng cam kết cho các dự án mới có ngày vận hành thương mại (COD) từ năm 2022 trở đi mà không có xác nhận về việc gia hạn giá FIT.
Covid-19 đã làm cho các dự án điện gió ở Việt Nam phát triển chậm lại, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hạn chế về khả năng di chuyển, ngăn cản các nhà đầu tư đến Việt Nam để đưa ra các quyết định tài chính trong năm nay, vì giữa năm nay là thời điểm quan trọng để thực hiện đầu tư nếu muốn một số dự án đủ điều kiện trước khi hết hạn biểu giá FIT hiện tại.
Thêm vào đó, để thúc đẩy đầu tư, chính phủ cần cung cấp giá FIT mới vì hai vấn đề. Đầu tiên là chi phí sản xuất năng lượng quy đổi (LCOE) giảm chậm. Tốc độ giảm chi phí trong hai năm qua đã chậm hơn, do thiếu về hiệu ứng quy mô và tắc nghẽn toàn cầu về vấn đề tuabin.
Giá FIT (feed-in tariffs) là giá bán điện năng (tariff) sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào (feed-in) hoặc bán cho lưới điện.
Đồng thời, chi phí phát triển dự án đã tăng do chi phí lao động và đất đai cao hơn. Do các công trình chính đang được phát triển, các dự án mới sẽ được đặt tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tỷ lệ gia tăng chi phí vốn (CAPEX) cao hơn tới 20% so với khu vực miền Trung. Trong khi các yếu tố về công suất vận hành cao hơn ở phía Nam, nhưng chúng không đủ cao để bù đắp cho các chi phí xây dựng gia tăng.
“Vì những lý do này, chúng tôi cho rằng việc giảm biểu giá FIT hiện nay sẽ là quá sớm. Việt Nam sẽ đáp ứng tốt nhất tham vọng năng lượng của mình nếu các biện pháp sau được thực hiện, bao gồm gia hạn 6 tháng đối với biểu giá FIT hiện tại đối với năng lượng điện gió trên đất liền, tiếp theo là sự khả thi trong biểu giá FIT mới cho các dự án điện gió trên đất liền được nối lưới vào cuối năm 2023 và gia hạn hai năm đối với mức giá FIT hiện tại đối với dự án năng lượng điện gió ngoài khơi đến cuối năm 2023”, ông Tomaso Andreatta kiến nghị.
Còn theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham), cơ chế giá FIT hiện tại cho năng lượng gió sẽ hết hạn vào ngày 1/11/2021, khiến doanh nghiệp phát triển điện gió không có đủ thời gian để đưa dự án vào hoạt động trước thời hạn đó - 91 dự án điện gió được phê duyệt vào tháng 7/2020 sẽ được đưa vào Tổng sơ đồ Điện 7 (PDP7) và vẫn đang chờ Bộ Công Thương cấp giấy phép.
“Thời hạn này không cho phép có đủ thời gian chuẩn bị để hoàn thành các dự án mới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Chúng tôi kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá FIT thêm tối thiểu 2 năm, đến ngày 31/12/2023”, ông Kenneth Atkinson nói.
Còn về cơ chế giá FIT cho năng lượng mặt trời, ông Kenneth Atkinson cho biết, theo các doanh nghiệp phát triển năng lượng mặt trời, việc kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá FIT từ ngày 30/6/2020 đến ngày 30/12/2020 vẫn chưa đủ. FIT nên có thời hạn áp dụng lâu hơn để cho phép doanh nghiệp phát triển thực hiện các dự án năng lượng mặt trời, đặc biệt là năng lượng mặt trời mái nhà.
Britcham kiến nghị công bố áp dụng FIT mới cho năng lượng mặt trời đúng hạn và có thời hạn áp dụng lâu hơn.
Trong khi đó, Nhóm công tác Điện và Năng lượng (PEWG) của VBF đề xuất xây dựng Hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án sản xuất điện gió và điện mặt trời có khả năng được cấp vốn bằng cách thiết lập trước Cơ chế biểu giá FITs và tháo gỡ các quy định chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, cần minh bạch hoá các thay đổi về biểu giá FIT và khuyến khích thảo luận về cách điều chỉnh quá trình duyệt quy hoạch tổng thể. Những nỗ lực này sẽ giúp giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư và hạn chế khả năng giảm giá FIT khi các dự án năng lượng tái tạo trở nên đơn giản và mang lại nhiều lợi nhuận hơn.