Mặc dù lượng cung giá xanh đã được bên cầm cổ bung ra từ sớm, nhưng vì bên nắm giữ tiền mặt giao dịch hết sức dè dặt và hầu hết chỉ đặt lệnh giá thấp. Cung cầu không gặp nhau, khiến thanh khoản thị trường gần như cạn kiệt. Sau gần 1 giờ giao dịch sàn HOSE chỉ khớp hơn 12 triệu đơn vị, giá trị chỉ hơn 175 tỷ đồng.
Thị trường phiên sáng nay đón nhận thông tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi từ mức -0,2% xuống -0,3%, đồng thời đưa ra các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Châu Âu. Dù vậy, động thái này của ECB lại không đạt kỳ vọng của giới đầu tư. Sự thất vọng này khiến thị trường chứng khoán khu vực này giảm mạnh trong phiên hôm qua.
Trong khi đó, giá dầu thế giới lại có sự hồi phục khá tốt. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ tăng 1,14 USD/thùng (+2,78%) lên 41,08 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,35 USD (+3,08%), lên 43,84 USD/thùng.
Theo đó, các mã dầu khí trên HOSE trong phiên sáng nay đa phần có được sắc xanh, trong đó có các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, PVT.
Tuy nhiên, nhiều mã lớn khác như VIC, VNM, MSN, FPT, BVH, BID, HPG, HSG… lại giữ sắc đỏ nên chỉ số VN-Index không thể tăng.
Trên HNX, tình hình giao dịch cũng “bết bát”. Sau hơn 1 giờ giao dịch, sàn này chỉ khớp hơn 8 triệu đơn vị, giá trị hơn 78 tỷ đồng.
Một vài mã dầu khí lớn tăng điểm như PVB, PVS cũng không giữ nổi sắc xanh của chỉ số sàn này có được ở đầu phiên, khi mã hầu hết các mã bluechips khác đều giảm điểm như NTP, PVG, PGS, ACB, VCG…
Hiện tại, chỉ có đúng 3 mã trên thị trường có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SBT, FLC (HOSE) và KSQ (HNX), nhưng cả 3 mã đều giảm điểm, trong đó KSQ giảm sàn.
Việc dòng tiền được rút ra chỉ đứng ngoài quan sát, trong khi bên bán cũng không tỏ ra mất kiên nhẫn khiến VN-Index giảm dần và chính thức xuyên thủng ngưỡng 570 điểm. Sau khi mất mốc hỗ trợ này, VN-Index đã bật nhẹ trở lại, nhưng với dòng tiền cạn kiện và thời gian không đủ để chỉ số này kịp trở lại mốc 570 điểm.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 4,57 điểm (-0,8%), xuống 569,81 điểm với 39 mã tăng, trong khi có tới 153 mã giảm. Thanh khoản thị trường cạn kiệt khi chỉ có chưa tới 40 triệu đơn vị, giá trị 650,6 tỷ đồng được chuyển nhượng. Giao dịch thỏa thuận sau phiên đột biến hôm qua cũng đã yên ắng trở lại khi có chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị 21,9 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng mất mốc 80 điểm khi giảm 0,36 điểm (-0,45%), xuống 79,72 điểm với 46 mã tăng, trong khi có 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch cũng chỉ đạt 17,8 triệu đơn vị, giá trị 173 tỷ đồng.
Dù đa số chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm của các mã không lớn khi bên bán giữ được sự bình tĩnh. Trong đó, đáng chú ý là biến động mạnh về giá của DPM khi mã này mở cửa ở tham chiếu và sau đó được kéo thẳng lên mức trần 33.100 đồng nhờ lực cầu ngoài, nhưng sắc tím không giữ được lâu. Chốt phiên, DPM đóng cửa ở mức 31.400 đồng, tăng 1,29%.
Cũng có sắc xanh trong nhóm bluechip là PVD nhờ giá dầu thô tăng mạnh trở lại. Chốt phiên khi đóng cửa tăng gần 1%, lên 30.500 đồng, trong khi GAS chỉ đủ sức ở mức tham chiếu.
Thanh khoản chung của thị trường, cũng như các mã riêng lẻ đều suy giảm khi dòng tiền đang đứng ngoài quan sát. Trong phiên sáng này, FLC và VHG là 2 mã có thanh khoản tốt nhất HOSE, nhưng chỉ được khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Trên HNX, chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa dưới tham chiếu là TIG, SCR, KSQ và KLF, trong đó KSQ đóng cửa ở mức sàn 4.500 đồng, dù mở cửa có mức tăng rất tốt, thậm chí đã được kéo lên mức trần 5.500 đồng.
Tuy nhiên, điểm tích cực trong 2 phiên giảm điểm vừa qua của thị trường là thanh khoản đứng ở mức rất thấp. Một phần do dòng tiền rút ra ngoài quan sát, nhưng một phần cũng là do lực cung giá thấp được tiết giảm. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn dò đáy và dường như đáy của đợt điều chỉnh từ mức đỉnh 618 điểm đã được hình thành. Nếu đúng như vậy, thì nhiều khả năng trong phiên chiều nay, hoặc tuần sau, thị trường sẽ bật trở lại một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đó chỉ là kỳ vọng, vì theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, đáy của đợt điều chỉnh này chưa được hình thành và với việc đang chịu nhiều thông tin tác động từ bên ngoài như Fed tăng lãi suất, thì khả năng phục hồi mạnh của thị trường là rất khó xảy ra.