Thắng hay thua, thành hay bại của cả năm chờ đợi nốt vào con số VN-Index ngày 31/12 để tính xem năm nay các quỹ/CTCK có vượt kế hoạch hay không. Tuy nhiên, diễn biến của TTCK năm nay có vẻ khó đoán.
Nhìn lại diễn biến TTCK các tháng 12 của 15 năm kể từ khi TTCK thành lập thì thấy rằng, diễn biến của TTCK tháng 12 thường đi ngược với diễn biến của cả năm.
Ví dụ, cả năm tăng mạnh thì tháng 12 sẽ giảm, chỉ có 4/15 năm diễn biến thị trường dao động cùng pha với diễn biến cả năm là năm 2012 (thị trường tăng vọt 9,5% trong tháng cuối, hơn một nửa đà tăng của cả năm); năm 2011 (VN-Index giảm 7,6% trên tổng đà giảm 27,5% của cả năm); năm 2006 (riêng tháng 12 tăng 18,7%, cả năm tăng 144,5% khi cơn sốt chứng khoán thổi bùng mọi ngõ ngách, các bà bán xôi ngoài chợ hay xe ôm cũng nói về câu chuyện chứng khoán); năm 2004 có tháng cuối năm tăng 4,2% trên tổng đà tăng 43,4% cả năm.
Tháng 12/2015, thị trường sẽ chịu tác động của nhiều thông tin trái chiều:
(i) FED dự kiến tăng lãi suất và biến động tỷ giá ra sao khi đồng Nhân dân tệ vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF);
(ii) các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục;
(iii) hướng giải quyết của Bộ Tài chính về vấn đề nới room ngoại,
(iv) tiến trình SCIC bán cổ phần tại Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…
(v) tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành tại các tập đoàn nhà nước;
(vi) hội nhập FTA Vietnam - EU và Cộng đồng kinh tế Asean AEC và cuối cùng, nhưng rất quan trọng là câu chuyện margin trên TTCK.
Margin
Giao dịch èo uột những ngày đầu tháng 12 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng. Có thông tin cho rằng, mặc dù thanh khoản thị trường giảm và đã có một lượng tiền rút ra khỏi cổ phiếu, nhưng margin trên thị trường vẫn ở mức cao. Tức là thị trường hiện tại vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Một số chuyên gia cho rằng, khi dòng tiền đã “càn quét” các cổ phiếu bluechips dựa hơi vào “sóng SCIC” của tháng 11 và đã “ăn đủ” 50% tài khoản, cộng thêm tín hiệu dòng tiền sau đó lướt qua các cổ phiếu đầu cơ thì thị trường đã ở giai đoạn thoái trào. Giữa tháng 12 là thời điểm nộp tiền cọc đấu giá Tổng công ty Cảng hàng không và sẽ có một lượng lớn tiền rút ra thị trường để tham gia cuộc chơi này.
FED tăng lãi suất
Tháng 12, nếu FED tăng lãi suất sẽ tác động đáng kể đến TTCK toàn cầu, nhưng tác động đến dòng vốn TTCK Việt Nam được dự báo không đáng kể. Nếu có, biến động tỷ giá sẽ tác động đến các ngành nghề khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu và có nợ bằng USD khi USD đang mạnh nhất 13 năm.
Các chuyên gia cho rằng, các năm trước đây, Việt Nam không phải là điểm đến hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài như Indonesia, Philippinnes hay Thái Lan, nên ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không cần e ngại về khả năng rút vốn của khối ngoại, do thực tế dòng tiền vào TTCK không lớn và các quỹ đã vào thường có xu hướng ở lại lâu dài.
Câu chuyện nới room
Điểm được chờ đợi nhất của tháng 12 là câu chuyện hiện thực hóa việc nới room. Chính phủ ban hành Nghị định 60 về nới room, nhưng cho đến nay trên TTCK mới có duy nhất CTCK Sài Gòn (SSI) đã chính thức nới room lên 100%. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ giải ngân, nhưng room chưa nới và chưa tìm được cổ phiếu thích hợp trong các đợt đấu giá bán DNNN gần đây.
Thông tin SCIC sẽ thoái vốn tại các “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, FPT, BMP, NTP đã khiến nhà đầu tư nước ngoài vô cùng hào hứng, nhưng sự hào hứng này chỉ diễn ra trong 2 tuần. Khi giá nhiều cổ phiếu tăng vọt 40-50% thì sự hào hứng lại quay sang thất vọng, bởi cơ chế mở room cho nhà đầu tư nước ngoài chưa có và lộ trình thoái vốn nhà nước khỏi những “con gà đẻ trứng vàng” cũng chưa rõ ràng.
Về giao dịch khối ngoại, mặc dù tháng 12 có kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và nghỉ Năm mới, nhưng trong 5 năm trở lại, đây khối ngoại mua ròng liên tục trong tháng 12, duy nhất năm 2011 bán ròng 928 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2015 có thể diễn biến sẽ khác. Trong 1 tháng trở lại đây, khối ngoại liên tục bán ròng, mức bán ròng 971 tỷ đồng tính từ đầu tháng 11 đến nay. Do đó các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư rất cần theo dõi chặt chẽ động thái của khối ngoại.
Liên quan đến hiện thực hóa quy định nới room, thông tin mới nhất đưa ra tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam (VBF), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, đến ngày 27/12/2015 Bộ sẽ hoàn chỉnh việc rà soát và hệ thống hóa điều kiện đầu tư với NĐT nước ngoài. Như vậy, rất có thể thông tin cụ thể về nới room sẽ sưởi ấm lại thị trường trong những ngày cuối cùng của năm và nếu các quy định nới room hoàn tất, sẽ là một cú hích mới cho TTCK năm 2016.
Câu chuyện ETF
Thông tin gần nhất tác động đến giá cổ phiếu đó là giao dịch của 2 quỹ ETF sẽ diễn ra vào tuần tới khi 2 quỹ ETF là FTSE và Market Vector Vietnam ETF cơ cấu lại danh mục quỹ. Các dự báo được đưa ra sẽ tác động đến các cổ phiếu như SSI (dự kiến được tăng tỷ trọng tại 2 quỹ do mở room), HHS (được thêm mới vào 2 quỹ), STB, NT2, HQC, SBT…
Tuy nhiên giai đoạn này, 2 quỹ ETF đang bị rút ròng nhẹ (mức rút ròng khoảng 100.000 chứng chỉ quỹ, không quá lớn nhưng cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư). Ngoài ra, các bài học đu bám theo ETF không như ý có thể sẽ khiến nhà đầu tư gặp quả đắng bởi đã từng có trường hợp trước đây nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu tăng trần khi được ETF thêm vào rổ nhưng thực tế lại giảm sàn, hoặc là trường hợp các CTCK đoán sai cổ phiếu được thêm mới.
Kể từ đầu năm 2015 đến nay, VN-Index tăng giảm thất thường, với mức tăng 5,27% nhưng thực tế có nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi gấp ba trong 6 tháng gần đây. Nhưng số cổ phiếu đó không nhiều và lượng giao dịch không đủ để “chia bánh” cho một bộ phận lớn nhà đầu tư. Có rất ít nhà đầu tư lãi lớn trong năm 2015 do thị trường phân hóa rất mạnh. Triển vọng tháng 12 khởi sắc không nhiều, có lẽ VN-Index tìm lại 600 điểm đã là một thành công lớn.