ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 4/12.
Vẫn có thể giảm điểm
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Nếu xét theo giao dịch tuần thì tuần từ 23/11-27/11 giảm mạnh đã thể hiện rõ áp lực bán của nhà đầu tư. Kỳ vọng lớn nhất của tuần này là mức giảm sẽ bị thu hẹp lại, đồng thời khối lượng giao dịch cũng giảm đi. Như vậy, thị trường coi như áp lực bán đã được giảm bớt và cơ hội tăng giá trở lại sẽ mở ra trong tuần giao dịch kế tiếp.
Điều đó dường như đang xảy ra nên việc bán ra lúc này nhà đầu tư cần xem xét thật kỹ. Có thể những áp lực lớn từ việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đang khiến cho đồng USD mạnh tác động tới TTCK trong ngắn hạn, nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi điều này qua đi.
Do đó, ở những phiên tới như phiên giao dịch ngày 4/12, thị trường vẫn có thể suy giảm nhẹ, nhưng điều đó là bình thường. Thời điểm mua chưa quay lại bởi dòng tiền vẫn đang yếu đi, nhưng nó sẵn sàng bất cứ lúc nào. Kỳ vọng rằng khi vùng 570 điểm trở nên vững chắc, thị trường sẽ tích cực hơn trong tuần tới.
Khả năng phá đáy của VN-Index vẫn ở mức cao
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Mặc dù có sự hồi phục nhẹ trong hai phiên gần đây, nhưng khả năng VN-Index phá đáy hiện vẫn ở mức cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị canh bán giảm một phần tỷ trọng (đặc biệt là các vị thế sử dụng margin) khi chỉ số hồi phục. Các hoạt động bắt đáy gia tăng tỷ trọng không được chúng tôi khuyến nghị tại vùng điểm hiện tại.
Tiếp tục sideway tại vùng giá hiện tại
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, tập trung chủ yếu vào một số cổ phiếu bluechips khiến thị trường suy yếu. Như vậy, trong 3 phiên đầu tháng 12, khối ngoại đã bán ròng hơn 487 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch thiếu tích cực của khối ngoại trong vài phiên gần đây có thể liên quan tới hoạt động tái cơ cấu của 2 quỹ ETFs. Kết thúc phiên 2/12, Quỹ ETF VNM ghi nhận trạng thái discount 1,68%, đồng thời trong 6 phiên gần nhất, quỹ này bị rút ròng 500 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị rút ròng khoảng hơn 137 tỷ đồng. Xu hướng rút ròng đang tác động tiêu cực lên diễn biến thị trường và cần tiếp tục theo dõi trong thời gian tới.
Sau phiên đảo chiều kỹ thuật ngày 2/12, thị trường quay trở lại trạng thái điều chỉnh nhẹ do áp lực quen thuộc từ một số cổ phiếu trụ cột trong giai đoạn cuối phiên. Điểm nhấn trong phiên 3/12 không phải về mặt điểm số, mà thanh khoản suy giảm mạnh, mặc dù tâm lý người cầm cổ đang ở trạng thái khá ổn định. Thị trường do vậy nhiều khả năng sẽ tiếp tục sideway tại vùng giá hiện tại trong vài phiên tới.
Giằng co tích lũy
(CTCK BIDV - BSC)
Nhịp phục hồi hiện tại có vẻ tương ứng với nhịp hồi kỹ thuật sau đợt giảm mạnh. Trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ hiện tại, các chỉ số nhiều khả năng tích lũy và giằng co trong những phiên tới. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên cân nhắc giảm tỷ trọng tại các nhịp phục hồi của thị trường. Nhà đầu tư thận trọng có thể mua dần cổ phiếu cơ bản khi thị trường điều chỉnh trở lại.
Vẫn còn rủi ro giảm trong ngắn hạn
(CTCK FPT - FPTS)
Mức sụt giảm nghiêm trọng của dòng vốn trên thị trường là bằng chứng cho tâm lý thận trọng của các hoạt động giao dịch. Một số điểm sáng xuất hiện trong phiên 3/12 tiếp tục theo dạng đơn lẻ, không có sự liên kết mạnh với xu thế của chỉ số.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán bước sáng phiên giao dịch thứ 02 theo chiều tích cực, nhưng dòng tiền vẫn khá dè dặt, giao dịch mạnh chủ yếu ở khu vực giá thấp với tâm lý dò đáy là chủ yếu. Rõ ràng, những đợt nảy lên của các nhóm có khả năng dẫn dắt là không bền vững và điều đó là cơ sở cho khả năng thị trường vẫn còn rủi ro giảm trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp tiếp tục được khuyến nghị đứng ngoài thị trường.
VN-Index có thể test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 570 điểm
(CTCK Maritime – MSI)
Thị trường điều chỉnh nhẹ, kết thúc phiên VN-Index hình thành một cây nến Doji, khối lượng khớp lệnh trên thị trường vẫn tiếp tục suy giảm chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư đang khá do dự. Đồng thời, các tín hiệu kỹ thuật cũng không được khả quan khi đường MACD và RSI vẫn đang lao dốc mạnh cho thấy khả năng điều chỉnh vẫn còn.
Trong phiên cuối tuần 4/12, nhiều khả năng sẽ tiếp tục là phiên giảm điểm, VN-Index có thể test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 570 điểm. Duy trì quan điểm mua vào những cổ phiếu cơ bản tốt trong những phiên giảm mạnh và tiến hành nắm giữ. Hạn chế hoạt động trading T+ ở giai đoạn này.
Dòng tiền đang tạm rút khỏi thị trường
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Sau phiên tăng 3/12, VN-Index đóng cửa thấp hơn một chút so với giá tham chiếu. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch ghi nhận mức thấp nhất 2 tháng và thấp hơn đáng kể so với MA20. Thanh khoản liên tục suy yếu trong những phiên vừa qua một lần nữa đang xác nhận tâm lý thị trường đã trở nên thận trọng rất nhiều trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ.
Tín hiệu này cũng cho thấy dòng tiền từ nhà đầu tư nội và ngoại đang tạm rút khỏi thị trường. Theo đó, duy trì quan điểm thận trọng trong ngắn, hạn mặc dù VN-Index khó có thể giảm sâu hơn nữa, và ngưỡng hỗ trợ 560 có thể được bảo lưu trên phương diện phân tích kĩ thuật.
Triển vọng ngắn hạn vẫn khá bi quan
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Như đã lưu ý, việc VN-Index xâm phạm hoàn toàn khu vực hỗ 590 điểm đã khiến xu hướng ngắn hạn bị đảo chiều từ tăng sang giảm và triển vọng ngắn hạn vì vậy khá bi quan. Nhà đầu tư cần hạn chế tối đa các hành động bắt dao rơi khi xu hướng đang là giảm, các đoạn hồi kỹ thuật như hiện nay nên được nhìn nhận như cơ hội thoát khỏi thị trường hơn là cố gắng mua mới trong bối cảnh hiện nay.