Phiên sáng 8/7: Chốt lời sớm, VN-Index mất mốc 970 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán chốt lời xuất hiện ngay khi mở cửa phiên đầu tuần 8/7 đã khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử và VN-Index mất mốc 970 điểm.
Phiên sáng 8/7: Chốt lời sớm, VN-Index mất mốc 970 điểm

Mặc dù dòng tiền tham gia chưa mấy sôi động nhưng sau thời gian dài tích lũy, thị trường đã có tuần giao dịch đầu tháng 7 khởi sắc. Chỉ số VN-Index đã bứt phá với mức tăng hơn 25 điểm và đóng cửa phiên cuối tuần tại mốc 975 điểm.

Với những thông tin tác động tích cực tới thị trường như Chiến tranh thương mại đã có lối thoát; TTCK toàn cầu tăng điểm trong đó TTCK Mỹ vượt đỉnh..., cùng kỳ vọng về con sóng báo cáo tài chính bán niên sắp tới, nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một nhịp tăng mới.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc thị trường đang phải đối diện với kháng cự mạnh đầu tiên là 980 điểm, tiếp đến là mốc 1.000 điểm khiến khả năng sẽ diễn ra những phiên điều chỉnh ngắn hoặc biến động mạnh xuất phát từ hoạt động chốt lời.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng nhận định, Khả năng thị trường duy trì trạng thái tích cực trong tuần mới là vẫn còn nhưng việc vượt kháng cự quan trọng chỉ trong 1 tuần là khó. Do đó nhiều khả năng xu hướng tuần tới sẽ biến động bớt tích cực hơn.

Không nằm ngoài những dự báo trên, thị trường bước vào tuần mới không mấy tích cực khi lực cầu tham gia có phần thận trọng hơn trong khi áp lực bán chốt lời được đẩy lên cao sau những phiên tăng khá mạnh tuần qua, đã đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu ngay khi mở cửa.

Lực bán có phần lan tỏa với gánh nặng chính đến từ nhóm bluechip khi hầu hết đều chuyển đỏ đã nhanh chóng khiến VN-Index đe dọa mốc 970 điểm chỉ trong 20 phút giao dịch.

Mặc dù chưa để bị thủng vùng giá trên, nhưng lực bán thường trực vẫn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm VN30 chỉ còn một vài mã xanh nhạt, còn lại hầu hết đều đảo chiều giảm.

Trong khi bluechip giao dịch thiếu tích cực thì nhóm cổ phiếu thị trường vẫn nổi lên nhiều điểm sáng. Điển hình là sự bứt phá ngoạn mục của SJF sau chuỗi ngày dài lao dốc từ mức giá đỉnh cao về mức 2.680 đồng/CP, đã liên tiếp khoe sắc tím khi xác lập phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp.

Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của SJF cũng tăng vọt. Sau gần 1 giờ giao dịch sáng nay, SJF đứng tại mức giá trần 3.990 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,3 triệu đơn vị và dư mua trần 1,22 triệu đơn vị, trong khi bên bán trắng sàn.

Cũng như nhiều mã phi mã trước đây, việc liên tục tăng mạnh giá cổ phiếu SJF được lãnh đạo Công ty khẳng định tại ĐHCĐ thường niên vừa qua là việc thao túng giá ở đây là hoàn toàn không có. Biến động giá cổ phiếu SJF trên thị trường hoàn toàn thuận theo cung cầu mua bán trên thị trường chứng khoán.

Các mã vừa và nhỏ khác cũng giao dịch khởi sắc như HAG, AAA, PVD, HNG, NKG, PVD…, hay TDG tiếp tục duy trì sắc tím với lượng dư mua trần khá lớn 426.740 cổ phiếu.

Sau diễn biến lình xình và giằng co mốc 970 điểm, áp lực bán ngày càng gia tăng trong hơn 30 phút cuối phiên khiến VN-Index chính thức chia tay ngưỡng kháng cự này.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chìm trong sắc đỏ với 176 mã giảm và 86 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 5,96 điểm (-0,61%) xuống 969,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,77 triệu đơn vị, giá trị 1.680,51 tỷ đồng, tăng 31,77% về lượng và 1,12% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 34,28 triệu đơn vị, giá trị 444,34 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, chỉ còn 3 mã là FPT, REE và VRE nhích nhẹ; DPM, EIB, STB và SAB đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm điểm.

Đáng kể, các mã có vốn hóa lớn là tác nhân chính khiến thị trường sụt giảm như VNM -1,3% xuống 124.500 đồng/CP, VHM -1,5% xuống 84.700 đồng/CP, VCB -1,2% xuống 71.800 đồng/CP, TCB -1,6% xuống 20.950 đồng/CP, MSN -1,4% xuống 83.800 đồng/CP, HPG -1% xuống 21.850 đồng/CP.

Không chỉ dòng bank hay nhiều mã lớn chịu áp lực chốt lời, các cổ phiếu dầu khí cũng quay đầu điều chỉnh sau tuần khởi sắc với GAS, PLX cũng giảm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HAG khá rung lắc nhưng lực cầu tích cực đã giúp cổ phiếu này hồi phục thành công khi tăng 1,5% và chốt phiên tại mức giá 5.510 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 4,63 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SJF không có nhiều biến động khi vẫn giữ sắc tím với thanh khoản nằm trong top 10 lớn nhất sàn HOSE, đạt 1,32 triệu đơn vị được khớp lệnh và dư mua trần hơn 1,24 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau hơn 1 giờ rung lắc và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu, lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên đã nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,43%) xuống 103,92 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 124 tỷ đồng, giảm 26,42% về lượng và 8,08% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 413.512 đơn vị, giá trị 27,16 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất chỉ có DGC +0,33% lên 30.600 đồng/CP, PHP +1% lên 10.100 đồng/CP, PVS và DL1 đứng giá tham chiếu, còn lại đều giao dịch dưới mệnh giá như ACB -0,3% xuống 29.100 đồng/CP, PVI -2,1% xuống 36.500 đồng/CP, SHB -1,5% xuống 6.700 đồng/CP, VCG -0,4% xuống 26.300 đồng/CP, VCS -0,1% xuống 67.900 đồng/CP, NVB -1,2% xuống 8.000 đồng/CP.

Trong đó, PVS là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn với khối lượng gần 1,44 triệu đơn vị và cũng là mã duy nhất khớp lệnh hàng triệu đơn vị.

Trên UPCoM, lực bán cũng tăng mạnh về cuối phiên khiến UPCoM-Index bị đẩy sâu hơn dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (-1,11%) xuống 55,75 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 64,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 406.495 đơn vị, giá trị hơn 10,1 tỷ đồng.

Các cổ phiếu đóng vai trò lực cản chính của thị trường như ACV – 2,2% xuống 81.800 đồng/CP, GVR -1,5% xuống 13.200 đồng/CP, VGT -1,8% xuống 10.700 đồng/CP… Trong đó, GVR giao dịch sôi động nhất khi chuyển nhượng thành công 466.500 cổ phiếu.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là BSR với 389.300 cổ phiếu được giao dịch thành công và tạm chốt phiên sáng tại mức giá 12.200 đồng/CP, tăng nhẹ 0,83%.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục