Phiên sáng 8/5: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, VN-Index hãm đà rơi

(ĐTCK) Áp lực bán tháo khiến VN-Index mất hơn 10 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch, giảm xuống dưới mốc 950 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp chặn đà rơi của VN-Index và giúp thị trường diễn ra sôi động hơn.
Phiên sáng 8/5: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, VN-Index hãm đà rơi

Sau phiên lao dốc phiên đầu tuần, chứng khoán quốc tế đã hồi phục khá tốt trong phiên 7/5, đã tác động tích cực tới thị trường trong nước giúp các chỉ số giữ được sự thăng bằng.

Đáng chú ý, sau 4 phiên mua ròng liên tiếp trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại bán ròng tới hơn 200 tỷ đồng trong phiên hôm qua.

Theo nhận định của TVSI, trong những phiên tới, dao động giằng co dự báo vẫn sẽ là diễn biến chính. Những tín hiệu về biến động tiếp theo nhiều khả năng sẽ xuất hiện sau sau đó tùy thuộc vào tình hình cuộc họp thương mại Trung Mỹ cũng như việc thực hiện áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Đồng thời, công ty chứng khoán này đã đưa ra kịch bán kém khả quan với dự báo, thị trường phản ánh tiêu cực với một nhịp giảm mạnh thì vùng giá 900-920 điểm sẽ đóng vài trò là vùng hỗ trợ tiếp theo.

Trước phiên giao dịch 8/5, thông tin chứng khoán quốc tế đỏ lửa bởi lo lắng về căng thẳng Mỹ - Trung leo thang gây rủi ro cho tăng trường toàn cầu khiến giới đầu tư tiếp tục ồ ạt bán tháo, đã tác động khá tiêu cực tới thị trường trong nước.

Ngay khi bước vào phiên 8/5, lực bán diễn ra khá ồ ạt khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, khiến VN-Index nhanh chóng để mất mốc 950 điểm.

Sau gần 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE có tới 185 mã giảm, gấp hơn 3 lần số mã tăng, trong đó, nhóm VN30 chỉ còn duy nhất cổ phiếu REE xanh nhạt. Trong khi sàn HNX, số mã giảm cũng gấp tới gần 3 lần số mã tăng.

Dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài thị trường và giao dịch khá nhỏ giọt với tổng giá trị chỉ đạt gần 800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lực cầu đã được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên và sau những rung lắc, VN-Index đã lấy lại được ngưỡng kháng cự 950 điểm và thu hẹp đà giảm đáng kể.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 177 mã giảm và 88 mã tăng, chỉ số VN-index giảm 4,27 điểm (-0,45%) xuống 953,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,55 triệu đơn vị, giá trị 1.540,27 tỷ đồng, tăng 13,43% về lượng và 17,97% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 8,73 triệu đơn vị, giá trị 310,18 tỷ đồng.

Tương tự, sàn HNX cũng thu hẹp đà giảm nhưng lực cầu khá yếu khiến HNX-Index chưa thể chạm mốc tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,49%) xuống 105,31 điểm với tổng khối lượng giao dịch nhích nhẹ so với phiên hôm qua, đạt 15,64 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 160,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,87 triệu đơn vị, giá trị 61,49 tỷ đồng, trong đó NVB thỏa thuận 2,54 triệu đơn vị, giá trị 22,83 tỷ đồng; VGC thỏa thuận 1,65 triệu đơn vị, giá trị 32,93 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đã bớt tiêu cực hơn khi có 8 mã tăng và 20 mã giảm, trong đó, bên cạnh REE nới rộng đà tăng, đã xuất hiện thêm một số mã khởi sắc như SAB, VRE, NVL, STB, EIB, GMD…

Trái lại, các mã giảm đã thu hẹp biên độ đáng kể như VNM chỉ còn giảm 0,4% xuống 129.000 đồng/CP, VIC giảm 0,1% xuống 112.500 đồng/CP, VCB có thời điểm lấy lại mốc tham chiếu và chốt phiên giảm 0,8% xuống 65.100 đồng/CP, GAS chỉ còn giảm 0,46% xuống 108.000 đồng/CP, MSN chạm mốc tham chiếu… Ngoại trừ VHM vẫn tác động xấu tới chỉ số chung khi giảm 1,3% xuống 86.800 đồng/CP.

Cổ phiếu BVH không giữ được phong độ như phiên hôm qua nhưng vẫn bảo toàn sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,1%, tạm đứng tại mức giá 77.100 đồng/CP với khối lượng khớp 321.840 đơn vị.

Trong khi đó, sức ép bán ra tiếp tục gia tăng tại ROS khiến cổ phiếu này giảm sâu hơn khi chốt phiên tại mức giá 29.650 đồng/CP, giảm 2,3%. Đáng chú ý, thanh khoản tại ROS giảm mạnh khi chỉ còn khớp 2,4 triệu đơn vị.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn thu hút được sự quan tâm. Cổ phiếu HQC tăng 4,2% lên 1.480 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 5,92 triệu đơn vị. Tiếp đó, PVD tăng 1,8% lên 19.600 đồng/CP và khớp hơn 4,2 triệu đơn vị; DLG tăng 2,7% lên 1.500 đồng/CP và khớp 1,63 triệu đơn vị…

Cổ phiếu HBC sau thông tin chốt danh sách cổ đông trả tức bằng cổ phiếu và tiền mặt, tỷ lệ 8%, đã đảo chiều hồi phục sau 4 phiên liên tiếp giảm điểm. Chốt phiên, HBC tăng 2,2% lên 16.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 1,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí đang giao dịch khá tích cực với nhiều mã khởi sắc như PVI tăng 0,8% lên 39.800 đồng/CP, PVC tăng 0,8% lên 6.800 đồng/CP, PVB tăng 2,1% lên 19.100 đồng/CP, PGS tăng 0,9% lên 34.100 đồng/CP.

Trong khi đó, một số mã lớn khác vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu, cản trở sự hồi phục của thị trường như ACB giảm 0,7% xuống 29.300 đồng/CP, VCG giảm 0,4% xuống 26.400 đồng/CP, VGC giảm 1,9% xuống 20.300 đồng/CP, VCS giảm 0,6% xuống 62.200 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm PVS khớp 2,19 triệu đơn vị, SHB khớp 1,85 triệu đơn vị, ART khớp 1,55 triệu đơn vị, KVC khớp 1,3 triệu đơn vị, HUT khớp 905.100 đơn vị.

Trên UPCoM, đà giảm cũng duy trì trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,7%) xuống 55,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,92 triệu đơn vị, giá trị 71,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,8 triệu đơn vị, giá trị 48,78 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý là VGI. Ngay sau công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với nhiều tín hiệu khả quan, cổ phiếu này đã bật tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Chốt phiên, VGI tăng 6,3% lên 23.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường đạt 728.200 đơn vị.

Được biết, kết thúc quý I/2019, VGI đạt doanh thu thuần trong quý đạt gần 3.800 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 166 tỷ đồng, gấp 12 lần so với kết quả 13,9 tỷ đồng của cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Viettel Global kể từ quý 2/2017. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ từ mức -147 tỷ đồng của cùng kỳ tăng lên 72 tỷ đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục