Bao giờ các công ty chứng khoán Việt Nam giảm phí cho nhà đầu tư?

(ĐTCK) Hiện trên thị trường chứng khoán thế giới đã xuất hiện xu hướng giảm phí giao dịch về gần như bằng 0 nhưng vẫn đảm bảo cung cấp báo cáo chất lượng cao cho khách hàng. Các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, đây là xu hướng không thể đảo ngược.
Bao giờ các công ty chứng khoán Việt Nam giảm phí cho nhà đầu tư?

Khi chuông đồng hồ reo vào lúc 3h sáng mỗi ngày, một trong những việc làm đầu tiên của giám đốc điều hành của Charles Schwab Corp là kiểm tra xem trong vòng 24 giờ qua công ty ông đã thu hút thêm được bao nhiêu tiền từ các nhà đầu tư. Năm ngoái, mỗi ngày Schwab thu hút được một lượng tiền nhiều hơn ba đối thủ Wall Street lớn nhất của công ty cộng lại.

Từ một công ty môi giới chứng khoán dành cho những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, giờ đây Schwab đã trở thành một đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài sản với giá cả cạnh tranh nhất. Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn thông qua chuyên gia tư vấn và cả robot.  

Từ chỗ không được các công ty thuộc Phố Wall để mắt tới, giờ đây rất nhiều khách hàng của các ông lớn Phố Wall như Merrill Lynch, Morgan Stanley và UBS đã rời sang sử dụng dịch vụ của Schwab.

Sự nổi lên của Schwab đã buộc Phố Wall phải hành động, bằng cách cắt giảm phí dịch vụ hàng loạt - một nguồn doanh thu quan trọng của các đại gia Phố Wall trong quá khứ, biến dịch vụ quản lý tài sản trở thành một dịch vụ như kiểu dịch vụ hàng hóa cơ bản.

Thậm chí người khổng lồ Morgan Stanley mới đây đã phải đăng tải một thông điệp trên Instagram, rằng Morgan Stanley không chỉ cung cấp dịch vụ cho các triệu phú, nhằm mở rộng cơ sở khách hàng. Với JPMorgan Chase, công ty này đã phải miễn phí một số dịch vụ nhằm cạnh tranh với Schwab.

Hồi tháng 4 vừa qua, ngân hàng UBS đã cho ra một ứng dụng dành cho iPad để phục vụ các khách hàng cao cấp. Còn Goldman Sachs trước đây vốn chỉ tư vấn cho các tỷ phú thì hiện đang nhắm tới cả các khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu thông qua tiện ích Marcus.com. Rõ ràng, sức ép từ Schwab lên các công ty Phố Wall là không hề nhỏ.

Bây giờ mối quan tâm của các công ty Phố Wall là làm sao để tốc độ phát triển các dịch vụ tương tự như Schwab của họ bắt kịp với của Schwab. Phương châm hàng đầu của Schwab là cứ cung cấp dịch vụ với giá cả cạnh tranh và mọi thứ sẽ đến. Jonathan de St. Paer, Giám đốc bộ phận quản lý đầu tư của Schwab cho biết, trong 16 năm làm việc tại đây, ở mỗi cuộc họp của công ty đều có người hỏi: Liệu chúng ta có thể làm với chi phí thấp hơn không?  

Nhiệm vụ của Schwab lúc này là đáp lại những động thái của Phố Wall cũng như đối phó với những thách thức mà những gương mặt mới cung cấp dịch vụ với chi phí thấp mang tới. Schwab đã đủ lớn tới mức mỗi khi công ty tung ra một sản phẩm mới hoặc tiến hành giảm phí cho một dịch vụ nào đó thì các đối thủ cạnh tranh không có cách nào khác là buộc phải có hành động tương tự.

Vào năm 2009, những người lãnh đạo của Schwab nhận ra công ty đã chậm chân trong mảng kinh doanh quỹ ETF. Để thu hút nhà đầu tư và gây tiếng vang trên thị trường, công ty tiến hành đưa ra thị trường sản phẩm ETF miễn phí giao dịch và trở thành công ty đầu tiên tại Mỹ làm việc này.

Chỉ trong năm đó, Fidelity và Vanguard cũng phải đưa ra các quỹ ETF miễn phí giao dịch, trong khi hầu hết các công ty thuộc Phố Wall lúc đó vẫn đang theo đuổi chính sách thu phí đối với các giao dịch chứng chỉ quỹ ETF.

Giờ đây thì ngay cả JPMorgan Chase cũng đã phải miễn phí giao dịch cho những giao dịch chứng chỉ quỹ ETF. Là người chậm chân nhưng Schwab đã là người làm thay đổi bộ mặt của ngành môi giới chứng khoán và quản lý tài sản tại Mỹ.

Tại Việt Nam, từ trước tới nay phí môi giới là một trong những nguồn thu quan trọng, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Nếu như xu thế trên thế giới là giảm phí giao dịch xuống mức rất thấp, thậm chí là về 0, thì tại Việt Nam hiện mức phí giao dịch mà các công ty chứng khoán thu của khách hàng được đánh giá là còn ở mức cao.

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam còn hạn chế, dịch vụ và sản phẩm chưa đa dạng, sẽ rất khó để các công ty giảm hoặc từ bỏ nguồn thu này. Tuy nhiên, gần đây trên thị trường đã xuất hiện hiện tượng công ty chứng khoán miễn phí giao dịch chứng khoán phái sinh hay miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở (có điều kiện) cho khách hàng.

Đây là điều rất đáng khích lệ vì nó mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, kích thích giao dịch, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo kế hoạch và định hướng mà Chính phủ đã đưa ra.     

Ngọc Quang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục