Thu hút dòng vốn từ các quỹ
Giới đầu tư đã sớm dự đoán khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được đưa vào “danh sách rút gọn xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi” trong kỳ review lần này. Bởi trong lần công bố gần đây nhất của MSCI, thị trường Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí về mặt định tính để được nâng hạng, thậm chí cần ít nhất một năm nữa để được đưa vào “danh sách rút gọn” và thêm từ một đến hai năm sau đó để chính thức được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi.
Trường hợp Việt Nam được đưa vào danh mục theo dõi trong kỳ này sẽ có ảnh hưởng và là bước ngoặt quan trọng với thị trường chứng khoán. Chỉ số thị trường được nâng hạng là kết quả của hàng loạt cải cách dẫn đến việc thiết lập hệ thống thị trường đáng tin cậy, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và sau đó thu hút vốn nước ngoài. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây đã tăng rất mạnh và cần lực lượng nhà đầu tư có quy mô lớn tương ứng, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, nhiều khả năng thị trường Argentina và Kuwait sẽ chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI trong kỳ công bố tới đây.
Điều này nếu xảy ra sẽ giúp tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index và MSCI Frontier Markets Index tăng lên đáng kể. Dự báo, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ tăng từ 16,47% vào cuối tháng 2/2019 lên 25,8%; trong khi tỷ trọng trong MSCI Frontier 100 Index sẽ tăng từ 18,03% vào cuối tháng 2/2019 lên 30%.
Bà Quỳnh cũng lưu ý thêm, theo tiêu chí của FTSE, kể cả khi đã thỏa mãn 9 trên 9 điều kiện tiên quyết thì Việt Nam vẫn sẽ phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất 1 năm. Tức là, nếu có những cải thiện để hoàn thiện tiêu chí cuối cùng, nhanh nhất Việt Nam sẽ được công bố nằm trong “danh sách rút gọn” vào kỳ báo cáo thường niên tháng 9/2019.
Dự báo được đưa ra từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, sẽ có khoảng 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) được các quỹ trên phân bổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam nếu Argentina chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ review tới. Tính đến thời điểm cuối tháng 3, các quỹ mô phỏng theo MSCI Frontier Market Index và MSCI Frontier Markets 100 Index đang phân bổ khoảng 493 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, 671 triệu USD vào cổ phiếu Kuwait và 501 triệu USD vào cổ phiếu Argentina.
Nếu Argentina được chuyển sang nhóm thị trường mới nổi thì gần như toàn bộ số tiền 501 triệu USD sẽ được các quỹ này phân bổ sang các thị trường cận biên còn lại. Việt Nam sẽ là một trong những thị trường được hưởng lợi lớn nhất do đang chiếm tỷ trọng lớn trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index.
Có thể thông tin này chưa tác động đến thị trường trong ngắn hạn khi thị trường đang ở trong xu hướng điều chỉnh, nhưng về dài hạn, đây được xem như chất xúc tác hỗ trợ nhiều cho thị trường, đặc biệt trong thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư. Đây là điều kiện cần để thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các tổ chức lớn cũng như dòng vốn đầu cơ như đã xảy ra ở thị trường Trung Quốc đối với các cổ phiếu loại vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), chúng ta cũng cần lưu ý việc luân chuyển dòng vốn quốc tế khi USD vẫn đang ở mức cao kể từ giữa năm 2017 và dòng tiền vẫn tiếp tục đầu cơ đối với đồng bạc xanh. Điều kiện đủ có lẽ được nhiều nhà đầu tư cũng như tổ chức nước ngoài trông chờ là Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nâng tỷ trọng cao hơn trong danh mục các chỉ số MSCI Frontier chủ yếu thuộc nhóm VN30.
Nhóm cổ phiếu nào được hưởng lợi?
Dễ hình dung các cổ phiếu vốn hóa lớn là đối tượng dự báo được hưởng lợi lớn nhất khi các quỹ trên dự kiến mua vào các cổ phiếu đang có trong danh mục của MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index như VNM, VIC, VHM, VCB, SAB, MSN, HPG và GAS. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là lực đỡ quan trọng cho thị trường trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ đủ mạnh trong nửa sau quý II/2019.
Ngoài ra, theo VNDIECT, con số 66 triệu USD ở trên mới chỉ tính đến các quỹ mô phỏng theo MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index, mà chưa tính đến các quỹ chủ động, quỹ mô phỏng theo các tiêu chuẩn khác như MSCI Frontier Emerging Index hoặc S&P/BNP Mellon New Frontier Index. Do đó, lượng tiền phân bổ sang thị trường chứng khoán Việt Nam từ các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên có thể lớn hơn nữa. Đặc biệt, các mã cổ phiếu bluechip như VIC, VNM, VCB... đã nằm trong nhiều rổ chỉ số FTSE có thể có phản ứng tích cực khi MSCI chính thức công bố trong tuần sau.
Dù thị trường đang điều chỉnh nhưng dòng tiền vẫn có dấu hiệu dịch chuyển sang một nửa số cổ phiếu trong nhóm VN30 đang là điểm sáng cần lưu ý.
Nhận định về đợt công bố đánh giá phân hạng thị trường chứng khoán lần này của MSCI, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhiều khả năng Argentina sẽ được chính thức nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi trong khi Kuwait có thể chỉ được nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng nên tỷ trọng Việt Nam sẽ chưa thể tăng gấp đôi như dự kiến trước đó của MSCI.
Tuy vậy, đến kỳ xem xét vào tháng 9/2019, nếu Kuwait thuận lợi được MSCI nâng hạng thì tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam có thể sẽ được tăng lên gấp đôi so với mức hiện tại và cũng là tỷ trọng cao nhất trong danh mục của MSCI Frontier. Đây là cơ hội đối với nhóm cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số.
Còn theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, những cổ phiếu đáng chú ý trong danh mục này gồm có chủ yếu các cổ phiếu trong VN30 như VNM, VIC, HPG, MSN, VHM, VRE ....
Như vậy hầu hết các quỹ đầu tư dựa trên MSCI dự kiến sẽ điều chỉnh lại danh mục tại các thị trường sơ khai còn lại và Việt Nam sẽ là thị trường được hưởng lợi với tỷ trọng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, thời gian giải ngân sẽ phụ thuộc từng quỹ khác nhau nên có thể có độ trễ nhất định, không hẳn diễn ra ngay trong tháng 5 này.