Sau khi xuyên thủng mốc 800 điểm, VN-Index đã tăng vọt trở lại trong phiên thứ Tư nhờ lực đỡ từ những ông lớn và lực cầu giá thấp bị tiết giảm khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.
Trong phiên hôm qua (5/10), thị trường tiếp tục tiến bước trong phiên sáng với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, khi được kéo lên mốc 810 điểm, áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh đã thu hẹp đà tăng điểm và đột ngột lao dốc về dưới mốc tham chiếu khi kết phiên.
Các công ty chứng khoán đã nhận định ngưỡng kháng cự 810 vẫn là thử thách ngắn hạn của thị trường tại thời điểm hiện tại.
Theo MSI, trạng thái thị trường không thay đổi, xu hướng giằng co là chủ đạo. Sự phân hoá chi phối thị trường nên các điểm số chính nếu có tăng, giảm cũng không đáng kể.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần 6/10, sự hồi phục của các cổ phiếu bluechip trong nhóm VN30 như VNM, SAB, VCB, BVH đang là đầu tàu giúp thị trường lấy lại sắc xanh sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua.
Dù sắc xanh lan rộng trên bảng điện tử, trong đó hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng đều tăng điểm nhưng biên độ khá hẹp, cùng lực cầu không mấy cải thiện, khiến thị trường thiếu sức bật cao.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã đã chịu áp lực bán chốt lời và quay đầu giảm điểm như AMD, HQC, ITA, KBC, HAR..., FLC cũng rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Mặt khác, HAI vẫn duy trì sức nóng với lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh. Sau hơn 1 giờ giao dịch, HAI chuyển nhượng 3,34 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE và còn dư mua trần 5,14 triệu đơn vị.
Giao dịch khá hạn chế khiến thị trường không thể bùng nổ, chỉ số VN-Index lình xình trên mốc 805 điểm trong gần hết phiên sáng. Tuy nhiên, sau 2 giờ giao dịch ảm đạm, bên bán nhường như mất kiên nhẫn đã gia tăng áp lực khiến nhiều mã mất giá, trong đó nhóm bluechip cũng trở nên phân hóa, đã đẩy chỉ số này về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,37 điểm (-0,05%) xuống 804,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 67,47 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.380 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,25 triệu đơn vị, giá trị 69,61 tỷ đồng.
Trong khi đó, lực đỡ khá tốt từ nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa giúp sàn HNX duy trì đà tăng điểm.
Với mức tăng 0,47 điểm (+0,44%), HNX-Index chốt phiên tại mức 107,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,85 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 353,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,94 triệu đơn vị, giá trị 62,46 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 40,2 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, hầu hết các mã lớn đều hạ độ cao hoặc quay đầu giảm điểm như VNM tăng 0,54%; BID, BVH chỉ còn nhích nhẹ; còn SAB, VCB, VIC, MSN, VJC đều đảo chiều giảm điểm, là các tác nhân chính tác động thiếu tích cực tới thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu nóng, HAI không có thêm nhiều biến động do thiếu vắng lực cung. Chốt phiên, HAI tăng 6,9% với khối lượng khớp 3,42 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị, đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này.
FIT dù có rung lắc nhưng vẫn duy trì đà tăng nhẹ 0,2%, trong khi AMD mất sắc tím và đảo chiều giảm 2,7%.
Dù thị trường giao dịch khá èo uột nhưng các mã nhận được tin tốt từ kết quả kinh doanh quý III vẫn khởi sắc. Điển hình FMC với việc báo lãi 125 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2016-2017, cao nhất lịch sử từ khi lên sàn, giúp cổ phiếu này có thời điểm được kéo lên kịch trần với giao dịch sôi động. Hiện FMC tăng 5,4% lên mức 20.350 đồng/CP với khối lượng khớp 573.620 đơn vị.
Trên sàn HNX, các cổ phiếu lớn giữ nhịp tăng cho thị trường như ACB tăng 0,98%, PVC tăng 1,02%, PVS tăng 0,63%, LAS tăng 2,63%, PVI tăng 1,25%, VCG tăng 1,48%...
Hai mã thị trường KLF và PVX dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 5,6 triệu đơn vị và 5,26 triệu đơn vị. Trong khi KLF không giữ được sắc tím với mức tăng 2,5%, thì PVX đã lấy lại mốc tham chiếu sau phiên quay đầu giảm ngày hôm qua.
Trên sàn UPCoM, sau những nhịp rung lắc liên tiếp trong nửa đầu phiên, thị trường đã chính thức đảo chiều đi xuống và chốt phiên trong sắc đỏ.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,21%) xuống 53,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,49 triệu đơn vị, giá trị 45,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,69 triệu đơn vị, giá trị 21,92 tỷ đồng, trong đó LPB thỏa thuận 1,4 triệu đơn vị, giá trị 16,94 tỷ đồng.
Không chỉ giao dịch thỏa thuận lớn, LPB tiếp tục là cổ phiếu dẫn đầu khối lượng giao dịch với 666.200 đơn vị được chuyển nhượng, tuy nhiên cổ phiếu này tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2,82%.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng giao dịch thiếu tích cực như GEX giảm 1,74%, ACV giảm 1,63%, LTG giảm 0,4%...
Thông tin bị đánh bật khỏi top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới quý III/2017 đứng đầu sàn HOSE cũng phần nào ảnh hưởng tới diễn biến cổ phiếu ART. Cụ thể, ART đảo chiều giảm 1,3% sau 2 phiên tăng trần liên tiếp trước đó.