Trước đó, từ đầu năm 2016 đến đầu năm 2017, giá cổ phiếu FIT có xu hướng giảm, từ ngưỡng 8.000 đồng xuống dưới 4.000 đồng. Diễn biến giá của cổ phiếu này có liên quan đến động thái của cổ đông lớn nước ngoài là PYN Elite.
PYN Elite trở thành cổ đông lớn của FIT từ tháng 6/2014, sau đó liên tục mua thêm cổ phiếu, với mức giá khá cao. Từ tháng 11/2016 đến đầu tháng 5/2017, PYN Elite có nhiều đợt thoái vốn tại FIT. Ngoài ra, giá cổ phiếu FIT còn bị tác động bởi giá cổ phiếu của công ty con là TSC - từng tăng nóng rồi giảm sâu.
Theo một số chuyên gia phân tích, sở hữu số lượng lớn và mua vào với giá khá cao, nên hành động thoái vốn của PYN Elite có thể xem là cắt lỗ. Trong giai đoạn PYN Elite thoái vốn, thanh khoản của cổ phiếu FIT vẫn rất cao, cho thấy khả năng có nhóm cổ đông gom vào.
Diễn biến tăng giá của cổ phiếu FIT từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9/2017 gắn liền với kết quả kinh doanh quý II tích cực và xuất hiện cổ đông mới.
Cụ thể, FIT lãi 6 tháng đầu năm 2017 xấp xỉ 69 tỷ đồng, gần hoàn thành kế hoạch năm. Mảng dược phẩm có nhiều thay đổi khi công ty con là Dược phẩm Cửu Long (DCL) thực hiện mua lại Euvipharm - doanh nghiệp dược quy mô lớn của Canada. Đồng thời, Công ty khởi công nhà máy vỏ viên nang rỗng.
Ngoài ra, DCL cùng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bắt tay thành lập công ty chuyên về sản xuất thuốc chữa ung thư (Benovas). Hiện SCIC đang nắm 29% vốn cổ phần tại công ty này.
Bên cạnh đó, FIT xuất hiện cổ đông lớn là Công ty Bất động sản DPV, đã hoàn tất việc mua 2,22 triệu cổ phiếu FIT, nâng tỷ sở hữu từ 4,25 % lên 5,12% vốn điều lệ, tương đương với 13,05 triệu cổ phiếu.
Có “câu chuyện”, cộng thêm yếu tố dòng tiền chảy vào thị trường mạnh mẽ nên những cổ phiếu có tính đầu cơ cũng được hưởng lợi, trong khi đó, lượng cung lớn từ PYN Elite (có thể cả lượng cung do áp lực margin) đã được mua lại, nên sóng tăng của cổ phiếu FIT càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, lên nhanh thì khả năng xuống cũng nhanh và bản thân FIT chưa được nhìn nhận là doanh nghiệp có tính ổn định, tăng trưởng bền vững, các yếu tố cơ bản của Công ty vẫn chưa rõ ràng để các nhà đầu tư giá trị chú ý đến.
Ngoài ra, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho rằng, trong những phiên giảm giá, cổ phiếu FIT có dấu hiệu bị các “tay to” đánh xuống, khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng sợ bán ra theo.
Lực bán có định hướng, thường bán về cuối phiên. Theo đó, các tài khoản sử dụng dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) cao đều nằm trong tình trạng nơm nớp nỗi lo bị bán giải chấp và thực tế đã có không ít tài khoản phải bán ra cổ phiếu.
Cuối tháng 9, các công ty chứng khoán thường thu hồi các khoản cho vay giao dịch ký quỹ để giảm dư nợ cho vay, chốt sổ sách cho báo cáo tài chính quý III/2017. Với FIT, do có đợt tăng giá mạnh và thanh khoản lớn trước đó nên nhiều ý kiến nhận định, lượng margin chảy vào cổ phiếu này không hề nhỏ. Do vậy, khi công ty chứng khoán chốt margin đã có tác động tiêu cực tới cổ phiếu FIT (những phiên cuối tháng 9, cổ phiếu FIT liên tục giảm giá sàn).
Một điểm cộng cho cổ phiếu FIT lực cầu hấp thụ rất tốt, thanh khoản mỗi phiên giảm sàn đều vài triệu đơn vị. Vị giám đốc phân tích trên nhận định, khi lượng cung trên thị trường giảm nhiều và lượng cung margin cũng giảm thì lúc đó có khả năng cổ phiếu FIT bật tăng trở lại, nhất là khi có thông tin tích cực được công bố.
“Kịch bản với cổ phiếu đầu cơ trên thị trường thường là như vậy. Nếu cổ phiếu rơi mà thanh khoản không còn thì đó là điều vô cùng đáng ngại”, vị giám đốc phân tích nói.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu FIT đóng cửa tại giá mức trần 8.340 đồng/CP.