Mặc dù thị trường đã tìm lại sắc xanh sau 3 phiên điều chỉnh liên tiếp, nhưng đà tăng không quá mạnh và chủ yếu nhờ vào diễn biến tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột, trong khi áp lực bán trên toàn thị trường vẫn duy trì ở mức cao, còn lực cầu thì vẫn khá yếu.
Chính vì vậy, nhiều công ty chứng khoán đã không đặt kỳ vọng cao về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9. Thậm chí, IVS còn đưa ra một quan điểm khá tiêu cực là nếu thị trường tiếp tục gây áp lực như phiên hôm qua thì đó là điều khá tệ hại bởi theo quan sát, khá nhiều cổ phiếu đã xuất hiện tín hiệu lỹ thuật xấu và có thể đó là lời cảnh báo sớm.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực như giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng dù không quá cáo, cùng kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Trường phòng Phân tích BVSC, tiếp nối những chuyển biến tích cực trong 2 quý đầu năm, đa số các nhóm ngành có triển vọng báo lãi khả quan trong quý III…
Với những diễn biến và nhận định trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần (29/9) vẫn duy trì trạng thái thận trọng. Tuy nhiên, các cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa giúp VN-Index tiếp tục tiến bước.
Cặp đôi cổ phiếu lớn ngành bia là SAB và BHN đang là tâm điểm của thị trường trong phiên sáng nay. Trong khi BHN tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 với mức tăng 6,9% thì SAB cũng tăng 2,4%, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường.
Được biết, Habeco vừa có thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm ông Soren Ravn là đại diện cổ đông Carlsberg và bầu ông Stefano Clini thay thế thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017.
Trước đó, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, từ nay đến 30/9, nếu SAB và BHN chưa hoàn tất thủ tục thoái vốn thì quyền đại diện sở hữu Nhà nước tại 2 doanh nghiệp này của Bộ Công Thương được đề xuất giao lại cho SCIC.
Trong khi đó, sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, sàn HNX cũng quay đầu giảm điểm trước áp lực bán dâng cao. Sắc đỏ bao phủ cùng diễn biến thiếu tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, khiến HNX-Index đang đe dọa mốc 107 điểm.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, thị trường có phần hạ nhiệt và lùi về sát mốc tham chiếu do áp lực bán chiếm ưu thế. Tuy nhiên, sự hồi phục khá tích cực của nhiều mã lớn khác cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index nới rộng đà tăng điểm.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 3,16 điểm (+0,39%) lên 807,98 điểm, thanh khoản tiếp tục sụt giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 77 triệu đơn vị, giá trị 1.635,58 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,66 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc như VCB tăng 0,9%, BID và CTG cùng tăng 0,3%, MBB thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu trong phiên sáng nay để trả cổ tức 5% và đã tăng 2%, VPB tăng 0,8%.
Trong khi SAB chỉ còn nhích nhẹ 0,34% thì các mã lớn khác lại đảo chiều tăng điểm, góp phần tích cực giúp thị trường đi lên như VNM tăng 0,74%, MSN tăng 2%, VIC tăng 0,4%, BVH tăng 0,9%...
Cùng với SAB hạ nhiệt, “người anh em” BHN cũng không còn giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng khá mạnh 6,4%.
Trái lại, ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, trong đó HAR, CCL, HAI đã thoát giá sàn dù vẫn giảm sâu, còn FIT tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. Với mức giảm 6,92%, FIT lùi về mức giá 8.880 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu sàn HOSE đạt 5,4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, FLC, HAG, GTN, KBC, HNG, TSC, ITA… cũng đều đứng dưới mức tham chiếu.
Trái lại, trên sàn HNX, sắc đỏ chiếm áp đảo cùng gánh nặng từ nhiều mã bluechip khiến thị trường tiếp tục lùi sâu dưới mốc tham chiếu và chia tay mốc 107 điểm.
Cụ thể, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,49%) xuống 106,9 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 44,18 triệu đơn vị, giá trị 337,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,32 triệu đơn vị, giá trị 15,79 tỷ đồng.
Bên cạnh ACB và SHB giữ mốc tham chiếu, các mã lớn như PVC, PVS, NTP, VCG… đồng loạt giảm điểm, thậm chí VTV nằm sàn.
Cổ phiếu KLF có thời điểm hồi phục và lấy lại mốc tham chiếu, tuy nhiên lực bán ồ ạt khiến cổ phiếu này chưa thoát khỏi sắc xanh mắt mèo và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp. Chốt phiên, KLF giảm 9,5% xuống mức giá sàn 3.800 đồng/CP với khối lượng khớp gần 25 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nhịp điều chỉnh khá sâu vào giữa phiên, thị trường đã bật ngược trở lại và hồi phục.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,05%) lên 54,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,12 triệu đơn vị, giá trị 56,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,1 triệu đơn vị, giá trị 64,4 tỷ đồng, trong đó VIR thỏa thuận 3,66 triệu đơn vị, giá trị 40,3 tỷ đồng.
Sau phiên chào sàn không mấy tích cực với diễn biến giằng co và kết phiên ở mốc tham chiếu, cổ phiếu KDF đã quay đầu đi xuống trong phiên sáng nay. Với mức giảm nhẹ 0,3%, KDF tạm đứng ở mức giá 60.800 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 273.700 đơn vị, đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản trên sàn UPCoM.
Dẫn đầu thanh khoản là cổ phiếu tí hon NTB với khối lượng giao dịch chỉ đạt 371.100 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 1.000 đồng/CP, tăng 11,11%.
Trong khi HVN có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp, với mức giảm khá nhẹ 0,4% thì ACV tiếp tục đi lên với mức tăng 4,6%, đây là phiên tăng thứ 9 liên tiếp của cổ phiếu này.