Thoái vốn tại Sabeco và Habeco sẽ xong trong năm 2017

(ĐTCK) Để tránh tình trạng thoái vốn nhà nước tại nhiều “ông lớn” như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)… chậm trễ, nhiều giải pháp mạnh đã được đề xuất.
Thoái vốn tại Sabeco và Habeco sẽ xong trong năm 2017

“Tháng 9/2017, cả nước thoái vốn được 125 tỷ đồng, thu về 195 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 nhưng báo cáo trong 9 tháng đầu năm nay). Tiến độ thoái vốn đang diễn ra chậm”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 27/9.

Tiến độ thoái vốn chậm, theo ông Tiến, do một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm.

Đối tượng thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt, nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.

Một nguyên nhân khác khiến cho tiến trình thoái vốn chậm là do việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chậm. Các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao 46 doanh nghiệp về SCIC nhưng chưa chuyển giao, 176 doanh nghiệp chưa thống nhất chuyển giao về SCIC…

Gần đây, đích thân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận trách nhiệm với Thủ tướng Chính phủ và cam kết sẽ hoàn tất thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco trong năm nay. Giải pháp mạnh này đã tạo chuyển biến trên thực tế, khi tại Habeco đã thay Tổng giám đốc để thúc đẩy tiến trình thoái vốn.

Chưa kể, không chỉ tại Bộ Công thương, ở các bộ, ngành, địa phương khác, để thúc đẩy tiến độ thoái vốn, Thủ tướng Chính phủ đã gắn trách nhiệm cụ thể đến người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, để thúc đẩy tiến trình thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước theo tiến độ đã được phê duyệt.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo một đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cho phép nêu tên phê bình các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước không thực hiện báo cáo theo quy định.

Trong tổng số 3.838 tỷ đồng vốn nhà nước đã thoái trong 9 tháng đầu năm nay, qua đó thu về 15.998 tỷ đồng, thì vốn nhà nước đầu tư tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng…) đã thoái được 105 tỷ đồng và đảm bảo hòa vốn; đã thoái 2.210 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ở các doanh nghiệp ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm, thu về 3.463 tỷ đồng. 

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục