Trong tuần qua, sau khi chinh phục thành công bất thành ngưỡng 990 điểm, thị trường đã gặp áp lực bán khá lớn và liên tiếp quay đầu đi xuống. Đặc biệt, trong phiên cuối tuần ngày 24/5, đã xóa đi thành quả của cả một tuần giao dịch, do ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình vĩ mô toàn cầu. Áp lực bán chốt lời ồ ạt tung ra khiến thị trường lao dốc mạnh, chỉ số VN-Index bị đẩy lùi về sát mốc 970 điểm khi chốt phiên cuối tuần qua.
Diễn biến này khiến hầu hết dự báo cho chứng khoán tuần này đều xoay quanh hai từ "thận trọng".
Do vậy, không khó hiểu khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, 27/5, tâm lý nhà đầu tư vẫn dè dặt, dù đã có thông tin tích cực hơn trong thương chiến Mỹ - Trung.
Thị trường đã khởi sắc trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp, nhưng diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường chỉ lình xình, chỉ số VN-Index đang loay hoay tìm bước tiến tới mốc 975 điểm.
Các cổ phiếu lớn như VHM, VIC, VCB, GAS, MSN, VNM đang hỗ trợ cho đà tăng của thị trường nhưng biên độ khá hạn chế, ngoại trừ VNM và MSN đang tăng hơn 1%.
Thanh khoản thị trường cũng khá thấp với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chưa tới 1.000 tỷ đồng sau hơn 90 phút giao dịch. Trong đó, chỉ có 5 mã có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị là ROS, PVD, POW, FLC và HSG.
Thị trường không có nhiều biến động trong phiên sáng. Chỉ số VN-Index đi ngang trên mốc tham chiếu đến hết phiên giao dịch trong bối cảnh thị trường phân hóa cùng dòng tiền thiếu tích cực.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 112 mã tăng và 141 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,31%) lên 973,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,47 triệu đơn vị, giá trị 1.216,35 tỷ đồng, giảm hơn 17% về lượng và 31,88% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 12,82 triệu đơn vị, giá trị 227,14 tỷ đồng.
Mặc dù biên độ không quá lớn nhưng nhóm cổ phiếu lớn vẫn là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng thị trường.
Cụ thể, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, các mã VHM, SAB, BID đã lùi về mốc tham chiếu sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, còn VIC, VRE, VCB, TCB vẫn duy trì đà tăng nhẹ, MSN giữ mức tăng % lên 88.200 đồng/CP, cặp đôi VNM và GAS tiếp tục tiến bước về cuối phiên khi VNM tăng 1,4% lên 132.300 đồng/CP, GAS tăng 1,2% lên 107.800 đồng/CP.
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HSG đã khởi sắc trở lại với mức tăng 1,5% lên 8.280 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE, đạt 4,48 triệu đơn vị. Ngoài ra, ITA, FLC, AAA, HAR, HDG, PDR… cũng giao dịch trên mốc tham chiếu.
Cổ phiếu SRC vẫn giảm mạnh sau thông tin dự án đất vàng 6,2 ha trải dọc mặt tiền 250 m đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) vẫn trên giấy, một cổ đông nắm 4,6% phản ánh có dấu hiệu bất thường trong bầu thành viên HĐQT. Mặc dù vậy, SRC đã có những tín hiệu tích cực hơn khi đã thoát được sắc xanh mắt mèo sau 2 phiên giảm sàn.
Hiện SRC giảm 3,2% xuống mức 26.100 đồng/CP với thanh khoản tăng khá mạnh đạt 502.560 đơn vị.
Trong khi đó, hầu hết các cổ phiếu nhóm cao su tự nhiên lại giao dịch khá tích cực như PHR tăng 1,4% lên 60.000 đồng/CP, DPR tăng 1% lên 40.800 đồng/CP, TRC tăng 1,8% lên 26.200 đồng/CP, TNC tăng 0,7% lên 14.000 đồng/CP.
Trên sàn HNX, sau diễn biến rung lắc dữ dội nửa đầu phiên, thị trường đã quay đầu đi xuống và duy trì sắc đỏ đến hết phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 29 mã tăng và 54 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,26%) xuống 105,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,98 triệu đơn vị, giá trị 130,42 tỷ đồng, giảm 38,62% về lượng và 42,82% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,54 triệu đơn vị, giá trị 20,12 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30 đáng chú ý là VCS, với thông tin chốt danh sách tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, cổ phiếu VCS đã đảo chiều hồi phục khi tăng 1,8% lên 63.000 đồng/CP và khớp lệnh 74.200 đơn vị.
Mặt khác, PVS vẫn giao dịch sôi động nhất sàn HNX và cũng là cổ duy nhất có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị. Chốt phiên, PVS tăng nhẹ 0,84% lên 24.000 đồng/CP và khớp 1,33 triệu đơn vị.
Tương tự, thi trường UPCoM cũng rung lắc mạnh và lùi về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%) xuống 55,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,94 triệu đơn vị, giá trị 56,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,04 triệu đơn vị, giá trị 17,67 tỷ đồng.
Hôm nay là phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu PPI trên thị trường UPCoM sau khi hủy niêm yết trên sàn HOSE từ 20/5. Chốt phiên sáng nay, PPI đứng giá tham chiếu 800 đồng và đã chuyển nhượng thành công 292.600 đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM.
Dẫn đầu thanh khoản là BSR cũng đứng giá tham chiếu 13.600 đồng/CP và khối lượng giao dịch khá thấp, đạt 447.000 đơn vị.