“Bóc” lợi nhuận đột biến của nhiều doanh nghiệp

(ĐTCK) Bên cạnh những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khó khăn với lợi nhuận thua lỗ, giảm sút tăng trưởng trong quý I/2019, có không ít công ty báo lãi tăng trưởng đột biến. Tuy vậy, không phải kết quả nào cũng hoàn toàn tích cực.
“Bóc” lợi nhuận đột biến của nhiều doanh nghiệp

SRA: Dấu hỏi chất lượng lợi nhuận

Kết thúc quý I/2019, Công ty cổ phần Sara Việt Nam (mã SRA) tiếp tục ghi dấu ấn bứt phá lợi nhuận. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của SRA cho biết, doanh thu thuần đạt 94,4 tỷ đồng, tăng gấp 71,5 lần so với cùng kỳ năm 2018 (đạt 1,3 tỷ đồng). Dù các chi phí cũng đồng loạt tăng theo, nhưng doanh thu tăng mạnh vẫn giúp SRA thu về lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông Công ty mẹ 26,5 tỷ đồng, gấp 750 lần cùng kỳ (chỉ là 35,3 triệu đồng).

Như vậy, sau khi trở thành một trong những “hiện tượng” đáng chú ý nhất của năm 2018 khi lột xác sau nhiều năm bị lãng quên nhờ chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực y tế và liên tiếp báo lãi tăng vọt trong các quý II, III và quý IV/2018, SRA tiếp tục duy trì phong độ trong quý đầu năm 2019, dù con số lợi nhuận có đôi chút sụt giảm.

Cùng với lợi nhuận bứt phá, SRA là quán quân tăng vốn trên sàn chứng khoán sau khi hoàn tất tăng vốn gấp 9 lần, từ 20 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng trong quý I/2019. Tốc độ tăng vốn "khủng", nhưng lợi nhuận đột biến giúp thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý I vẫn đạt 1.470 đồng/cổ phiếu.

Dù chưa tổ chức Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên 2019, nhưng theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh được Hội đồng quản trị Công ty xây dựng dự kiến trình đại hội sắp tới, năm nay, SRA đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng. Kế hoạch này đồng nghĩa với việc SRA đã hoàn thành 1/4 mục tiêu lợi nhuận cả năm sau quý đầu năm.

Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhưng dường như sự lột xác của SRA chưa đem lại sự an tâm cho nhà đầu tư, khi sự đột biến này hoàn toàn đến từ các hoạt động thương mại có quá ít thông tin cụ thể để đánh giá, từ loại hình sản phẩm kinh doanh đến đối tác, cho dù hoạt động này có biên lợi nhuận hấp dẫn. Cùng với đó là cơ cấu cổ đông khá loãng, khi SRA chỉ có vỏn vẹn 2 cổ đông lớn là cá nhân, sở hữu tổng cộng hơn 13% vốn, còn lại là các nhà đầu tư nhỏ lẻ - một cấu trúc khá hiếm gặp với doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thuộc Top đầu thị trường.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu SRA cũng liên tục biến động. Sau khi tăng gần gấp đôi trong giai đoạn tăng vốn hồi đầu năm, thị giá SRA đang giảm mạnh, mất gần 1/3 giá trị trong 1 tháng qua, bất chấp kết quả kinh doanh tích cực.

DTD: Lợi nhuận tăng đột biến nhờ đánh giá lại tài sản

Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển Thành Ðạt (mã DTD) cũng là một trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý I/2019, thậm chí đã vượt kế hoạch năm chỉ sau 1 quý. Tuy nhiên, kết quả chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, trong khi doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính đều giảm mạnh.

Cụ thể, kết thúc quý đầu năm nay, báo cáo tài chính của DTD cho thấy, doanh thu thuần đạt 25,3 tỷ đồng, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp giảm 44,4% xuống 5,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính mang về 75,4 tỷ đồng, trong khi chi phí chỉ hơn 501 triệu đồng, giúp lãi sau thuế đạt 76,6 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ.

Theo giải trình của DTD, doanh thu tài chính tăng mạnh chủ yếu do đánh giá lại khoản mục đầu tư vào CTCP Ðầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp Ðồng Văn III với giá trị hơn 74 tỷ đồng. Ðược biết, DTD đã trúng đấu giá mua 19% cổ phần của doanh nghiệp này trong đợt đấu giá thoái vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cuối tháng 12/2018, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 65% và hợp nhất vào báo cáo tài chính quý I/2019.

Tại ÐHCÐ thường niên 2019, DTD đặt mục tiêu doanh thu 450 tỷ đồng và lãi ròng 30 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành vượt 155% kế hoạch lợi nhuận ngay sau quý đầu năm. Ðáng chú ý, ÐHCÐ của DTD được tổ chức vào cuối tháng 4/2019, tức khi quý I đã kết thúc và doanh nghiệp chắc hẳn đã có con số dự kiến về kết quả kinh doanh.

Nhiều khả năng kế hoạch mà DTD đề ra không bao gồm con số lợi nhuận tài chính. Thực tế, việc đánh giá lại tài sản cũng không đem về dòng tiền. Lợi nhuận cao, EPS đạt 3.483 đồng/cổ phiếu, nhưng với chỉ 3% lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh chính, sẽ không phù hợp để so sánh hiệu quả kinh doanh của DTD với các doanh nghiệp khác trên thị trường, đó là chưa kể đến việc ghi nhận lợi nhuận từ đánh giá lại tài sản đầu tư cũng đồng nghĩa tăng áp lực chi phí cho tương lai, khi giá trị các tài sản này được phân bổ qua khấu hao. 

BAX: Mức tăng đột biến liệu có duy trì?

Kết thúc quý I/2019, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Thống Nhất (mã BAX) cho biết, BAX đạt doanh thu thuần 96,7 tỷ đồng, cao gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2018. Trừ giá vốn, lãi gộp còn lại hơn 53 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Trong khi đó, Công ty không phát sinh chi phí tài chính và bán hàng, chi phí quản lý hầu như không thay đổi, nên kết quả lợi nhuận sau thuế đạt hơn 41 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần cùng kỳ, tương đương EPS đạt 5.011 đồng/cổ phiếu.

Với kế hoạch kinh doanh năm 2019 được ÐHCÐ thông qua ở mức 192,6 tỷ đồng doanh thu và 72,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, BAX đã hoàn thành 50% mục tiêu về doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.

BAX cho biết, lợi nhuận tăng mạnh là do trong kỳ, Công ty bàn giao và ghi nhận doanh thu từ dự án Khu trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo. So với DTD, trường hợp của BAX là tích cực hơn, bởi thực tế, dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh của BAX trong quý đầu năm lên đến 66 tỷ đồng, gấp 1,5 lần lợi nhuận thu được. Số dư tiền và tiền gửi các loại tính đến 31/3/2019 tăng 40% so với đầu năm.

Với đặc điểm của những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh thu và lợi nhuận ghi nhận 1 lần có thể tăng đột biến khi bàn giao dự án. Muốn duy trì được đà tăng trưởng cao đều đặn, doanh nghiệp phải có nhiều dự án gối đầu. Liệu BAX có thể duy trì được điều này trong những quý tiếp theo? 

BXH, APG, IVS: Tăng trưởng cao, nhưng giá trị thấp

Sau quý đầu năm, Công ty cổ phần Chứng khoán An Phát (mã APG) báo lãi tăng trưởng gấp 202 lần so với cùng kỳ 2018 - một kết quả ấn tượng nếu xét về tỷ lệ tăng trưởng. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng đột biến là do lợi nhuận quý I/2018 của APG chỉ vỏn vẹn 10,9 triệu đồng, còn xét về giá trị, lợi nhuận sau thuế quý đầu năm của APG chỉ là 2,22 tỷ đồng. Với quy mô 34 triệu cổ phiếu đang lưu hành, con số lợi nhuận của APG rõ ràng không khả quan khi EPS chỉ là 65 đồng/cổ phiếu. Ðáng chú ý, toàn bộ con số lợi nhuận này đều là lợi nhuận chưa thực hiện.

Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán Ðầu tư Việt Nam (mã IVS) với lợi nhuận sau thuế quý I/2019 gấp  40 lần cùng kỳ năm 2018 chủ yếu do năm trước lợi nhuận quá thấp, chỉ
43 triệu đồng.

Tại Công ty cổ phần Vincem Bao Bì Hải Phòng (mã BXH), xét về tỷ lệ tăng trưởng, lợi nhuận quý I/2019 tăng gấp 12 lần cùng kỳ 2018, nhưng xét về giá trị, lợi nhuận trong kỳ chỉ là 1,2 tỷ đồng, con số khiêm tốn so với quy mô tài sản hơn 141 tỷ đồng của BXH.

Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến, nhưng xét về giá trị thì không đáng kể. Rõ ràng, để đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng là chưa đủ, quan trọng hơn là chất lượng nguồn gốc lợi nhuận và hiệu suất sinh lời so với quy mô tài sản, nguồn vốn mà những doanh nghiệp này sở hữu.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục