Đầu tư nghìn tỷ, CTCK có lãi?
Báo cáo tài chính quý I/2019 của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy, doanh thu hoạt động trong kỳ chỉ đạt 367 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do doanh thu môi giới giảm 71% và lãi các khoản cho vay, phải thu giảm 25,1% vì thị trường giao dịch trầm lắng, giá trị giao dịch giảm mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động tự doanh lại là điểm sáng khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 200 tỷ đồng, tăng 31%, nhờ hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư. Đến cuối kỳ, giá trị ghi sổ danh mục FVTPL của VCSC tăng gấp 2,7 lần đầu năm, đạt 593 tỷ đồng và đang ghi nhận khoản chênh lệch lãi 67 tỷ đồng so với giá thị trường. Trong kỳ, các mã HPG, ACB và MBB được giải ngân mạnh nhất và cùng với KDH, 4 cổ phiếu này chiếm tổng cộng 57% giá trị danh mục FVTPL.
Tương tự, danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của VCSC tại thời điểm cuối quý I có giá trị ghi sổ 1.200 tỷ đồng, trong khi giá thị trường lên tới 1.555 tỷ đồng và khoản lợi nhuận chênh lệch 355 tỷ đồng được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán.
Trong đó, cổ phiếu MWG và TCB là 2 khoản đầu tư mang lại lợi nhuận chính với giá trị theo thị giá cao hơn lần lượt 231 tỷ đồng và 198 tỷ đồng so với giá mua. Dù vậy, mức chênh lệch này cũng giảm đáng kể so với cuối năm 2018 do biến động bất lợi của thị giá cả 2 cổ phiếu trong kỳ. Chiều ngược lại, NKG và DIG là 2 khoản đầu tư giảm giá mạnh nhất, lần lượt là 50,3 tỷ đồng và 68,3 tỷ đồng.
Trong quý vừa qua, danh mục AFS của VCSC ghi nhận sự gia tăng đầu tư thêm 57,6 tỷ đồng vào cổ phiếu DIG, trong khi POW và TCB là 2 khoản đầu tư có lãi bị thoái vốn đáng kể, lần lượt giảm 74 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.
Thị trường diễn biến thuận lợi là một trong những nguyên nhân giúp mảng tự doanh của VCSC ghi nhận sự tích cực trong quý đầu năm. Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng đạt được điều này.
Chẳng hạn, tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) - một trong những đơn vị có tỷ lệ tự doanh cao trên tổng tài sản, trong quý I/2019, giá trị danh mục FVTPL tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 1.542 tỷ đồng, tức tăng 53,2% so với đầu năm và hiện chiếm 33% tổng tài sản, phân nửa trong số này là đầu tư vào cổ phiếu.
So với tổng danh mục của cùng kỳ năm 2018, giá trị đầu tư của SHS tăng đến 91%, nhưng điều đó chưa mang lại hiệu quả. Cụ thể, trong quý I/2019, lãi ròng FPTVL của SHS đạt 88,3 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, chi phí môi giới vượt doanh thu 2,8 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng gấp đôi cùng kỳ và lãi từ cho vay, phải thu giảm 8,1%. Kết quả, SHS chỉ thu về 74,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 44% cùng kỳ. Một số cổ phiếu đáng chú ý trong danh mục nắm giữ của SHS hiện có SHB, HPX, VGC, HDG, SKH…
Tình hình tại 2 “ông lớn” CTCP Chứng khoán SSI (SSI) và CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) cũng không khả quan hơn. Trong khi danh mục FVTPL của SSI đang ghi nhận mức giảm 9,5% so với giá gốc với một loạt cổ phiếu đã giảm giá khá mạnh như ELC giảm 70%, GEX giảm 18%, DBC giảm 16%..., thì với HSC, lợi nhuận từ đầu tư FVTPL cũng giảm 75% trong quý đầu năm.
Tính đến cuối quý I, giá trị danh mục FVTPL của HSC giảm 35% so với đầu năm xuống 586 tỷ đồng, trong đó giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch giảm 58%. Ngoài VHM, DHG và TCB là 3 cổ phiếu được giải ngân đáng kể, nhiều mã khác bị giảm trên dưới 50% tỷ trọng là VCB, VNM, VJC…
Tại CTCP Chứng khoán MB (MBS), danh mục FVTPL trong kỳ lỗ ròng 34,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 65 tỷ đồng, giá trị danh mục cũng giảm 11%. Đối với danh mục AFS, giá trị còn lại là 62,7 tỷ đồng, giảm 53% so với giá gốc.
Quý II: Thị trường ảm đạm đang làm khó CTCK
Kết quả đầu tư của các CTCK trong quý I/2019 dù không quá tích cực, nhưng vẫn khả quan hơn so với giai đoạn cuối năm 2018. Tuy nhiên, bước sang quý II, tình hình bắt đầu trở nên khó khăn.
Tính đến hết phiên 23/4/2019, VN-Index đã giảm 2,1% so với đầu tháng, với hàng loạt cổ phiếu lớn mất điểm và hầu hết trong số này nằm trong danh mục đầu tư của các CTCK. Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, các mã VIC, VHM,VNM, SAB, TCB, BID… đều đang trong xu hướng giảm giá.
Sau mùa cao điểm đại hội cổ đông và báo cáo kết quả kinh doanh trong tháng 4/2019, thị trường bước sang tháng 5 là thời điểm thiếu thông tin hỗ trợ, đây sẽ là giai đoạn khó khăn trong tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư, cũng như khối tự doanh CTCK.
Tuy vậy, cần lưu ý là không hẳn cứ tự doanh mạnh là CTCK sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ biến động thị trường. Một số CTCK có danh mục đầu tư lớn, nhưng phân bổ chủ yếu vào các sản phẩm lãi suất cố định như trái phiếu, kỳ phiếu và CTCP Chứng khoán VPS là một ví dụ.
Tính đến cuối quý I/2019, giá trị danh mục FVTPL của VPS đạt 3.628 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tài sản, trong đó 99% danh mục đầu tư vào trái phiếu và các công cụ thị trường tiền tệ. Điều này giúp VPS đạt lợi suất ổn định và kết quả đầu tư không chịu nhiều biến động từ thị trường.
Tại CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDS), dù giá trị danh mục FVTPL và AFS tăng gấp đôi trong quý I/2019, nhưng chủ yếu là tăng khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ và chứng chỉ tiền gửi, trong khi giá trị danh mục cổ phiếu chỉ tăng 9,3%. Các công cụ nợ đang chiếm 57% danh mục FVTPL và AFS của VNDS.
Với CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), danh mục FPTVL hiện chỉ có 1 cổ phiếu là MSH của CTCP May Sông Hồng, chiếm 78% giá trị danh mục, tiếp đến là tiền gửi ngân hàng chiếm 20,5%. Với việc kết quả tự doanh phụ thuộc vào biến động giá của một cổ phiếu, tương quan kết quả với diễn biến thị trường sẽ giảm đáng kể.
... và tác động từ CW
Bên cạnh yếu tố thị trường, nhiều khả năng sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm (Cover Warrant - CW) được triển khai trong quý II/2019 dự báo sẽ tác động đáng kể đến hoạt động tự doanh của các CTCK.
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, công tác chuẩn bị của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cho sự ra đời của CW cơ bản đã hoàn tất. Trước đó, nhiều CTCK đã tích cực chuẩn bị cho sản phẩm mới này, trong đó có SSI, HSC, VNDS, MBS, VCSC…
Với các CTCK, để trở thành nhà phát hành chứng quyền, theo quy định của Thông tư 107/2016/TT-BTC, tổ chức phát hành sẽ phải ký quỹ ban đầu tối thiểu 50% giá trị loại chứng quyền dự kiến chào bán để đảm bảo khả năng thanh toán. Điều này có nghĩa, để phát hành chứng quyền mua, CTCK sẽ cần mua vào lượng cổ phiếu cơ sở tối thiểu là 50% giá trị chứng quyền phát hành và trong suốt quá trình phát hành sản phẩm, CTCK còn phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền mình phát hành.
Với quy định này, việc chuẩn bị cho sản phẩm mới chắc chắn sẽ đòi hỏi CTCK phải cơ cấu và phân bổ danh mục tự doanh cho phù hợp, để vừa đảm bảo tỷ trọng trong tổng tải sản, nguồn vốn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo quản lý rủi ro chung cho danh mục gồm cả cổ phiếu và chứng quyền, cũng như đầu tư vào hợp đồng tương lai.
Hiện tại, danh mục cổ phiếu được phép phát hành chứng quyền khá hạn chế với 23 mã trong danh sách được Sở Giao dịch chứng khoán cho phép và đều là các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành, nằm trong danh mục đầu tư của nhiều CTCK. Do vậy, hoạt động phòng ngừa rủi ro có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị giá cổ phiếu, từ đó tác động đến danh mục tự doanh của nhiều CTCK khác, dù không trực tiếp tham gia phát hành chứng quyền.