Yếu tố cơ bản: Rủi ro toàn cầu tăng cao
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang kênh đầu tư an toàn là trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức đáy năm 2019 và làm tăng xác suất điều chỉnh giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, lượng hợp đồng giữ thế qua đêm đạt kỷ lục hơn 38.000 hợp đồng và khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 4.000 hợp đồng chỉ trong 2 phiên. Khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng khoảng 600 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu. Nhìn chung, góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài khá bi quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 tuần gần đây.
Yếu tố kỹ thuật: Dư địa tăng vẫn còn
Nhịp độ giảm lớn dần
Diễn biến chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng.
Tuần qua, giá hợp đồng phái sinh kỳ hạn tháng 6 vẫn có độ lệch lớn so với chỉ số cơ sở, có thời điểm lên tới 20 điểm. Tuy vậy, áp lực điều chỉnh từ thị trường cơ sở khiến chỉ số phái sinh không duy trì được đà tăng. Bất chấp những diễn biến đó, xu hướng chung vẫn là tăng với mốc hỗ trợ quan trọng tại 880 điểm. Ðây được xem là chốt chặn quan trọng trong nhịp tăng lần này, nếu ngưỡng 880 điểm bị phá vỡ thì xu hướng tăng nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc.
Bên cầu vẫn ở thế chủ động
Hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng có vùng hỗ trợ 890 - 895 điểm.
Người mua duy trì trạng thái áp đặt thị trường, bất chấp những rung lắc diễn ra ở các phiên cuối tuần. Lưu ý, tổng cung có tăng lên, trong khi tổng cầu vẫn tích lũy mà không bứt phá lên được. Những diễn biến cung - cầu tuần qua cho thấy bên mua bắt đầu có dấu hiệu thận trọng hơn, hoạt động mua mới không còn diễn ra quyết liệt, trong khi người cầm hàng cũng có dấu hiệu cơ cấu lại danh mục.
thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn.
Ðiểm tích cực là bên cầu vẫn giữ vị thế chi phối, dù lượng cung tăng. Do đó, rủi ro về dòng tiền trong ngắn hạn tăng lên, nhưng khả năng giá giảm mạnh trong giai đoạn này rất khó xảy ra, bởi cung tích lũy chưa đủ nhiều để phá vỡ hệ thống hỗ trợ bên dưới.
Ðà lan tỏa giảm mạnh
Đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10.
Ðà lan tỏa chưa quay trở lại đỉnh cũ thì đã quay đầu giảm, thậm chí gãy đường trung bình 10 phiên gần nhất, cho thấy mức độ lan tỏa ở các cổ phiếu trụ khá kém, nhịp tăng lần này thiếu sự đồng thuận của các nhóm dẫn dắt. Xét về xu hướng chung, đà lan tỏa vẫn chưa quá xấu. Tuy nhiên, nếu không có những nhịp kiểm tra thành công vùng MA10 trong đầu tuần này (27 - 31/5) và tiếp tục nhịp suy giảm, thì nhịp tăng của thị trường có thể sẽ kết thúc.
Quá trình xoay trụ diễn ra khá chậm
Thị trường chứng kiến sự luân chuyển dòng tiền ở các nhóm cổ phiếu trụ. Trong các phiên đầu tuần qua, dòng tiền có dấu hiệu thoát ra ở nhóm bất động sản (VHM, VIC) và thực phẩm, đồ uống (VNM, MSN). Trong khi đó, nhóm ngân hàng (VCB, TCB, VPB) được kỳ vọng sẽ là điểm đến tiếp theo của dòng tiền, nhưng dòng tiền chưa lan tỏa kịp ở nhóm này, khiến thị trường chung có diễn biến kém khả quan trong các phiên cuối tuần.
Quá trình xoay trụ diễn ra khá chậm.
Nhìn chung, sự kỳ vọng bây giờ vẫn là nhóm ngân hàng và phần nào là nhóm bất động sản. Trong tuần mới, nếu dòng tiền không hút vào hai nhóm này thì khả năng quay trở lại của các chỉ số sẽ rất khó khăn.
Chiến lược giao dịch: Ưu tiên mua, nhưng không chủ quan
Các chỉ số đang trong quá trình tiếp cận vùng hỗ trợ mạnh quanh 880 điểm trên VN30 và 890 - 895 điểm trên VN30F1906, nhưng xu hướng tăng của chỉ số chưa có dấu hiệu kết thúc. Do đó, chiến lược canh mua (Long) quanh vùng hỗ trợ vẫn được đánh giá cao. Ðiểm yếu cho vị thế mua vào lúc này là độ lệch giữa phái sinh và cơ sở quá lớn (+16,5 điểm), khiến việc tham gia vị thế mua trở nên bất lợi. Ðể hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên canh thời điểm tham gia khi độ lệch thu hẹp còn khoảng 10 - 12 điểm. Trong khi đó, vị thế bán (Short) nên được cân nhắc nếu các mốc hỗ trợ bị phá vỡ, tương ứng với vùng 890 điểm trên VN30F1906.