Muốn gọi được vốn, các quỹ nên “săn” người giàu

(ĐTCK) Chuyên gia mách nước, các công ty quản lý quỹ Việt Nam cần có hướng mới về tiếp cận khách hàng, cũng như cho ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ mới nếu muốn thành công trong gọi vốn để lập quỹ…
Muốn gọi được vốn, các quỹ nên “săn” người giàu

Nhiều điểm nghẽn

Theo Bộ Tài chính, trên thị trường hiện có 45 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, với tổng số quỹ đang quản lý là 38 quỹ...

Với vốn liếng trên, ngành quản lý quỹ Việt Nam được nhìn nhận là tạm ổn về lượng, nhưng lại hẻo về chất vì số lượng các công ty thành công trong huy động được vốn để lập quỹ chưa nhiều, lượng vốn các quỹ huy động được, nhất là trong giai đoạn ban đầu quanh quẩn vài chục tỷ đồng. Trên thị trường quỹ có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Theo đó, nhiều công ty đã thành công trong huy động vốn lập nhiều quỹ như: Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital)..., thì tiếp tục ”nở” những quỹ mới. Ở trạng thái ngược lại, nhiều công ty “trắng quỹ”, thì đến nay vẫn chưa từng một lần thành công trong gọi vốn thành lập quỹ như: Công ty cổ phần Quản lỹ quỹ Đầu tư Pacific Bridge (Pacific Bridge), Công ty cổ phần quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Thái Dương (Thai Duong Capital), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Long (VLFM Corp), Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư An Phát (Anphat Capital)...

Câu hỏi đặt ra là do đâu ngành quỹ Việt Nam khó gọi vốn trong bối cảnh nguồn lực trong dân được nhìn nhận là rất tiềm năng? Ý kiến từ thị trường cho rằng, ngoài yếu tố thói quen đầu tư, thì hiệu quả đầu tư của các quỹ chưa mấy nổi bật, cộng với thông tin hoạt động còn thiếu minh bạch và tin cậy, khiến cho nhà đầu tư còn e ngại.

Đáng chú ý khi trả lời câu hỏi điều gì đang là thách thức lớn nhất với ngành quỹ Việt Nam, tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư quốc tế khu vực châu Á lần thứ 5 vừa được Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) phối hợp với Hiệp hội Đầu tư quốc tế châu Á (AOA) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, do môi trường thể chế và quy định của cơ quan quản lý chưa cởi mở, thông thoáng cho các công ty quản lý quỹ phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu phức tạp, đa dạng của những người giàu, vốn được nhìn nhận là khách hàng tiềm năng.

Bản thân các công ty quản lý đang gặp khó vì tình trạng con gà có trước, hay quả trứng có trước, nghĩa là trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của khách hàng để thiết kế sản phẩm, dịch vụ, hay chấp nhận rủi ro thiết kế rồi đem ra chào cho khách hàng?

Là người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên thị trường vốn quốc tế, ông Gauraw Srivastava, Trưởng phòng quản lý tài sản, Ngân hàng VPBank, nhìn nhận, thương hiệu và niềm tin với các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư ở Việt Nam còn không ít điều khiến nhà đầu tư quan ngại, trong khi với khách hàng giàu có, đây là yếu tố họ quan tâm hàng đầu, mang tính quyết định khi cân nhắc đưa ra quyết định sử dụng dịch vụ nào… 

Nên đi hướng mới

Sau thời gian dài phát triển sản phẩm mang tính đơn giản, na ná nhau là các quỹ đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và hướng tới nhiều nhóm nhà đầu tư, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cả cơ quan quản lý lẫn các công ty quản lý quỹ nên có hướng đi mới trong thu hút nhà đầu tư. Muốn thế điều quan trọng đầu tiên là cần tạo ra hành lang pháp lý linh hoạt cho các công ty quản lý quỹ sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phức tạp hơn.

Từ thực tế đang quản lý hơn 45.000 khách hàng thu nhập cao, với tài sản lớn, trưởng phòng quản lý khách hàng thu nhập cao của một ngân hàng đang niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM, cho biết, hành lang pháp lý thiếu sự linh hoạt, cộng với cung cách thiết kế, cung cấp sản phẩm, dịch vụ còn kém sáng tạo như hiện tại, ngành quỹ Việt Nam sẽ còn khó huy động vốn để lập quỹ.

“Trong vòng một thập kỷ qua, số lượng người giàu ở Việt Nam tăng khoảng 200% và con số này sẽ còn tăng nhanh. Đối tượng khách hàng này thường có nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính phức tạp, để nó vừa là một công cụ đầu tư linh hoạt, thanh khoản để tạo ra giá trị hợp lý, nhưng đồng thời lại giúp họ quản trị rủi ro cho bài toán tài chính gia đình, kế thừa tài sản cho con cái… Thế nhưng, các sản phẩm mang tính cấu trúc phức tạp như vậy trên thị trường ngành quỹ Việt Nam còn hạn chế, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư”, ông Gauraw Srivastava nhìn nhận.

Từ thực tế trên, chuyên gia khuyến nghị, cùng với việc quy định pháp lý cần được “làm mềm” theo hướng tạo không gian sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ, chuyên gia quốc tế cho rằng, các công ty quản lý quỹ Việt Nam cần đầu tư cho nhân sự để sáng tạo trong phát triển các sản phẩm cấu trúc phức tạp nhắm tới người giàu, thay vì phát triển những sản phẩm đơn giản, nhắm tới khách hàng đại trà như hiện tại.

Cùng với đó là cần đầu tư cho hoạt động đào tạo nhà đầu tư để vừa giúp họ hiểu về các sản phẩm mà chính họ chưa am hiểu nhưng đang có nhu cầu sử dụng, vừa nắm bắt được khẩu vị đầu tư của họ để sáng tạo ra những sản phẩm mang tính chuyên biệt.

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ