Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, thị trường đã có đà tăng khá tốt với thanh khoản được cải thiện so với phiên trước đó.
Với diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần qua, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền đã trở lại để đón sóng kết quả kinh doanh quý III sau thời gian dài đứng ngoài để thăm dò. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra, thậm chí dòng tiền lại có dấu hiệu rút lui trong phiên giao dịch sáng đầu tuần, khiến thị trường diễn ra khá ảm đạm và VN-Index quay đầu giảm điểm.
Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index đã giảm mạnh, lùi về gần mốc 800 điểm khi ROS bị xả mạnh, lùi về mức giá sàn. Tuy nhiên, cũng khá nhanh chóng, chỉ số này lại bật trở lại, vượt qua mốc tham chiếu với sự hỗ trợ của một số mã lớn như MSN, PLX, MWG, VJC, trong khi ROS cũng thoát mức giá sàn nhờ lực cầu đỡ giá tốt sau đó.
Sau đó, rất nhanh chóng, VN-Index trở lại đà giảm, nhưng mức giảm không quá mạnh như đầu phiên sáng. Trong khi đó, trái ngược với sàn HOSE, chỉ số HNX-Index lại giao dịch trong sắc xanh suốt phiên sáng, nhờ sự hỗ trợ tích cực của ACB, PVC, PVS, VGC.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,78 điểm (-0,22%), xuống 805,35 điểm với 102 mã tăng và 142 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80,82 triệu đơn vị, giá trị 1.698,97 tỷ đồng, giảm 15,5% về khối lượng và giảm 24,76% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,57 triệu đơn vị, giá trị 155,76 tỷ đồng.
HNX-Index lại tăng 0,23 điểm (+0,22%), lên 106,75 điểm với 56 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 41,16 triệu đơn vị, giá trị 379,18 tỷ đồng, giảm 22,25% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với phiên giao dịch sáng cuối tuần qua. Giao dịch thỏa thuận sáng nay không đáng kể.
Trên HOSE, sau chuỗi tăng giá ấn tượng 8 phiên liên tiếp, ROS đã bị bán rất mạnh khi bước vào phiên sáng nay. Có thời điểm, mã này bị đẩy xuống mức sàn 119.700 đồng, nhưng sau đó đã thoát được mức giá thấp nhất phiên, khi chốt phiên ở mức 120.200 đồng, giảm 6,6% với 1,97 triệu đơn vị được khớp.
Trước đó, ROS cũng đã có chuỗi 21 phiên tăng liên tiếp, từ mức giá 90.500 đồng, lên 120.500 trong phiên 11/9 trước khi điều chỉnh mạnh trong phiên 12/9 (giảm 5,39%).
Ngoài ROS, sắc đỏ còn xuất hiện ở một số mã có vốn hóa lớn khác như nhóm ngân hàng, GAS, SAB, VIC, HPG, NVL, nhưng mức giảm không quá mạnh.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với thông tin mua lại 10% vốn điều lệ làm cổ phiếu quỹ, MSN tiếp tục tăng tốt, lên 54.500 đồng khi chốt phiên sáng nay (+4,81%), nhưng thanh khoản không quá cao. Tương tự, VJC cũng tăng 4,2% lên 109.100 đồng với thông tin HDBank đăng ký mua 2,54 triệu cổ phiếu. Cuối tuần trước, VJC đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng, tổng tỷ lệ 40%.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, thanh khoản cũng không mấy tích cực trong phiên sáng nay, trong đó có tổng khớp lớn nhất là FLC với 6,18 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 7.570 đồng. Tiếp theo là FIT với 4,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,45%, xuống 11.800 đồng. ASM ở vị trí thứ 3 với 3,26 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,88%, xuống 11.100 đồng.
Trên HNX, ACB sau những rung lắc đầu phiên, đã lấy lại đà tăng, chốt phiên ở mức 29.600 đồng, tăng 1,37% với 1,33 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, SHB lại giảm 1,25%, xuống 7.900 đồng với 3,86 triệu đơn vị được khớp.
PVC có múc tăng lên mức giá trần 10.200 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 9.900 đồng, tăng 6,46% với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
PVX lại giữ được mức giá trần 2.800 đồng với 7,25 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 5,22 triệu đơn vị. Tương tự, ACM cũng đóng cửa với sắc tím 2.300 đồng, tổng khớp 1,32 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay vẫn là KLF. Sau 6 phiên tăng trần liên tiếp với tổng mức tăng 67,57%, từ 3.700 đồng, lên 6.200 đồng, cổ phiếu KLF đã chỉnh thức điều chỉnh về mức sàn 5.600 đồng khi chốt phiên sáng nay, dù mở cửa nhích tiếp lên mức 6.600 đồng.
Trong phiên cuối tuần trước KLF cũng bị chốt lời mạnh lùi về mức sàn 5.200 đồng, nhưng lực cầu cứu giá chảy rất mạnh sau đó, kéo mã này lên lại mức trần 6.200 đồng. Tuy nhiên, phiên sáng nay, dù lực cung không quá lớn, nhưng dường bên có ý định đỡ giá đã đạt mục tiêu, nên không còn tung mạnh tiền ra, khiến KLF chính thức đảo chiều về mức sàn với tổng khớp hơn 12,48 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù có sắc xanh nửa đầu phiên, nhưng chỉ số UPCoM-Index đã đảo chiều vào nửa cuối phiên và đóng cửa với mức giảm 0,12 điểm (-0,22%), xuống 54,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,87 triệu đơn vị, giá trị 54,87 tỷ đồng.
GEX tiếp tục là mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn này với 695.400 đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa giảm 3,4%. HVN và MSR là 2 mã có thanh khoản tốt tiếp theo với 439.000 đơn vị và 377.200 đơn vị. Cả 2 mã này đều có mức tăng tốt, trong đó HVN tăng 2,75%, lên 26.200 đồng, MSR tăng 7,19%, lên 17.900 đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu VKD lại được mua gom mạnh, trong khi lực cung hạn chế, giúp mã này đóng cửa ở mức trần 39.700 đồng (+14,74%) với 128.300 đơn vị được khớp.