Phiên sáng 23/4: Áp lực bán gia tăng trở lại, thị trường quay đầu chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Sau phiên hồi phục cuối tuần trước nhờ lực cung giá thấp được tiết giảm, áp lực bán lại gia tăng trong phiên sáng nay, đẩy cả 3 sàn quay đầu giảm điểm.
Phiên sáng 23/4: Áp lực bán gia tăng trở lại, thị trường quay đầu chìm trong sắc đỏ

Cổ phiếu QCG bị bán tháo mạnh kể từ phiên thứ Tư tuần trước (18/4) khi có thông tin TP.HCM yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất rộng 32,4 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM (dự án Phước Kiển) giữa Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) cho Công tỷ cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) do mức bán quá thấp.

Sau đó, chiều tối ngày 18/4, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã chính thức có văn bản về vấn đề này và sau đó, cổ phiếu QCG liên tiếp bị bán tháo trong 2 phiên còn lại của tuần, bất chấp hàng lotaj mã hồi phục trong phiên cuối tuần. Chốt tuần qua, cổ phiếu QCG đứng ở mức 10.850 đồng, giảm gần 20% so với cuối tuần trước. Đây là cổ phiếu giảm mạnh thứ 2 trên sàn HOSE trong tuần qua, sau HOT (mất gần 25% giá trị).

Ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, đà bán tháo tại QCG vẫn chưa chấm dứt, kéo giá cổ phiếu này xuống mức sàn 10.100 đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy hoạt động khá tốt, giúp thanh khoản QCG khá tốt, đạt 3,3 triệu đơn vị sau 1 tiếng giao dịch, tạm dẫn đầu sàn HOSE và giúp lượng dư bán sàn không còn quá lớn như 3 phiên trước.

Về diễn biến chung của thị trường, sau phiên hồi phục cuối tuần trước, thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc xanh khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, khi vượt qua ngưỡng 1.125 điểm, lực cung đã diễn ra mạnh, đẩy chỉ số này quay đầu chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 7,49 điểm (-0,67%), xuống 1.112,37 điểm với 93 mã tăng, trong khi có 168 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 89,14 triệu đơn vị, giá trị 2.753,4 tỷ đồng, giảm 33, 37% về khối lượng và giảm 55,79% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Tuy nhiên, thanh khoản phiên này giảm mạnh là do phiên sáng cuối tuần trước có sự đột biến về giao dịch thỏa thuận của NVL với 53,6 triệu cổ phiếu, giá trị 3.502 tỷ đồng. Trong phiên sáng nay, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 8,15 triệu đơn vị, giá trị 300,55 tỷ đồng.

Trong các mã lớn VIC, BID, VJC có mức tăng khá tốt và SAB đảo chiều tăng nhẹ, còn lại nhiều mã đảo chiều giảm trở lại.

Cụ thể, VIC tăng 1,63%, lên 125.000 đồng với 1,43 triệu đơn vị được khớp; SAB tăng 0,45%, lên 223.000 đồng; BID tăng 1,39%, lên 40.000 đồng với 1,21 triệu đơn vị; VJC tăng 1,99%, lên 199.600 đồng; trong khi GAS không giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở tham chiếu.

Ngược lại, VCB giảm 2,19%, xuống 62.600 đồng (mức thấp nhất phiên) với gần 1 triệu đơn vị; CTG giảm 2,39%, xuống 32.700 đồng (cũng là mức thấp nhất phiên) với 2,17 triệu đơn vị được khớp; VPB thậm chí giảm 5,39%, xuống 57.900 đồng với 2,24 triệu đơn vị được khớp.

Ngoài ra, sắc đỏ còn xuất hiện tại VRE (-0,83%, xuống 47.600 đồng), MSN (-1,04%, xuống 95.200 đồng), HPG (-2,04%, xuống 57.600 đồng), PLX cũng đảo chiều giảm nhẹ 0,72%, xuống 68.900 đồng, MBB (-1,98%, xuống 32.200 đồng), HDB (-2,5%, xuống 48.850 đồng), ROS (-4,93%, xuống 84.900 đồng)…

Tuy nhiên, với HDB điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 1,07 triệu cổ phiếu HDB trong phiên sáng nay. Trong thời gian qua, HDB luôn có sức hút với dòng tiền ngoại khi khối này mua ròng liên tục từ đầu tháng 4 đến nay với khối lượng mua ròng hơn 20 triệu đơn vị.

Với QCG, lực cầu bắt đáy chảy mạnh giúp QCG có lúc về mức giá tham chiếu 10.800 đồng, nhưng lực cung tiếp tục diễn ra mạnh sau đó khiến mã này vẫn đóng cửa ở mức sàn 10.100 đồng với 4,42 triệu đơn vị được khớp, nhưng không còn dư bán sàn.

Thanh khoản củ QCG đứng sau ASM khi mã này được khớp 6,73 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,68%, lên 14.750 đồng.

Cũng có mức sàn phiên sáng nay còn có HBC khi đóng cửa ở mức 43.150 đồng với 2,44 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn. CAV giảm sàn xuống 53.500 đồng, NLG cũng giảm sàn xuống 37.800 đồng, HAX giảm sàn xuống 18.550 đồng...

Trong khi đó, lại có tăng có sắc tím như KSH, CCL, MCG, LHG, nhưng thanh khoản ở mức thấp.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự khi chỉ số chính của sàn này có sắc xanh khi mở cửa, nhưng nhanh chóng quay đầu giảm điểm theo diễn biến của các mã lớn như ACB, SHB, PVS, trong khi DST vẫn duy trì con sóng khi tiếp tục tăng trần lên 5.800 đồng với thanh khoản chỉ đứng sau SHB, thậm chí đà giảm của HNX-Index mạnh hơn nhiều VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,9 điểm (-1,44%), xuống 130,67 điểm với 70 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,65 triệu đơn vị, giá trị 459 tỷ đồng, nhỉnh hơn chút ít so với phiên sáng cuối tuần trước và tất cả đều đến từ giao dịch khớp lệnh.

Top 10 mã vốn hóa lớn có sự phân hóa rõ nét, nhưng số mã giảm lại có biên độ mạnh hơn số mã tăng.

Trong đó, ACB giảm tới 3,12%, xuống 46.600 đồng với 2,18 triệu đơn vị; VCS giảm 1,73%, xuống 113.500 đồng với thanh khoản đì đẹt như thường lệ; SHB giảm 1,56%, xuống 12.600 đồng với 5,28 triệu đơn vị được khớp; PVS giảm 2,78%, xuống 21.000 đồng (mức thấp nhất ngày) với 1,1 triệu đơn vị; PVI giảm 1,31%, xuống 37.700 đồng.

Ngược lại, VGC lại tăng 1,27%, lên 24.000 đồng với 2,1 triệu đơn vị; VCG tăng 1,44%, lên 21.100 đồng với 0,6 triệu đơn vị; NTP tăng nhẹ 0,18%, lên 56.400 đồng và DL1 đứng ở mức tham chiếu.

Trong các mã đáng chú ý khác, DST tiếp tục nổi sóng khi có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp, lên 5.800 đồng với 4,15 triệu đơn vị được khớp, đứng sau SHB và còn dư mua giá trần tới hơn 1,1 triệu đơn vị.

CEO cũng tăng tốt 3,98%, lên 18.300 đồng với 2,76 triệu đơn vị được khớp, đứng trên ACB.

Sàn UPCoM sáng nay cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết khi có sắc xanh lúc mở cửa nhưng nhanh chóng đảo chiều và đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,38%), xuống 58,02 điểm với 67 mã tăng và 53 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,18 triệu đơn vị, giá trị 107 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,6 triệu đơn vị, giá trị 19 tỷ đồng.

Trong phiên sáng nay, sàn UPCoM không có mã nào được khớp đến 1 triệu đơn vị, trong đó có thanh khoản nhất vẫn là LPB với tổng khớp 0,92 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,25%, xuống 15.800 đồng.

Ba mã lớn vừa lên sàn là OIL, BSR và POW đều có sắc xanh khi chốt phiên. Trong đó, OIL và POW chỉ tăng nhẹ 1 bước giá lên lần lượt 16.500 đồng và 14.500 đồng, BSR tăng mạnh 3,74%, lên 22.200 đồng. Thanh khoản của 3 mã này dưới 500.000 đơn vị.

Cũng có sắc xanh là KLB, MCH, MSR, TIS, ACV, trong khi HVN, VIB, SDI, BAB, VSN lại đóng cửa trong sắc đỏ.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục