Cái giá của thị trường phụ thuộc các ông lớn

(ĐTCK) Chỉ 10 mã cổ phiếu lớn đã chiếm tới 57,7% giá trị vốn hóa trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Diễn biến giá của những mã vốn hóa lớn có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư, đôi khi tạo ra những hệ lụy không nhỏ.
Nhà đầu tư chốt lời tại một số cổ phiếu lớn cũng có thể là nguồn cơn cho một phiên giảm điểm mạnh của thị trường Nhà đầu tư chốt lời tại một số cổ phiếu lớn cũng có thể là nguồn cơn cho một phiên giảm điểm mạnh của thị trường

Mã lớn giảm giá, thị trường lao dốc

Phiên giao dịch ngày 19/4/2018, thị trường có dấu hiệu hoảng loạn khi chỉ số VN-Index giảm 43,9 điểm, tương đương 3,86%, đóng cửa tại 1.094,63 điểm. Một câu hỏi được nêu ra ở hầu khắp các diễn đàn chứng khoán: Vì sao VN-Index sụt giảm?

Trên một diễn đàn gồm nhiều chuyên gia phụ trách đầu tư và phân tích đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, 3 giả thiết đã được nhiều chuyên gia đưa ra: lo ngại tình hình thế giới (chiến tranh tại Syria, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung); thị trường chứng khoán đã quá nóng; lo ngại vấn đề giao dịch ký quỹ (margin), trong đó cơ quan quản lý dự kiến giảm trần margin về mức 40% giá trị tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, cả 3 lý do trên đều chưa thực sự thuyết phục.

Chiến tranh tại Syria hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không phải là thông tin mới. Ngay ở thời điểm các thông tin này bắt đầu xuất hiện, thị trường cũng không phản ứng quá tiêu cực.

Về câu chuyện trần margin, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện tại, Ủy ban chưa có thông điệp mới về việc này.

Điều thị trường cần lúc này là có thêm nhiều cổ phiếu lớn với thanh khoản tốt hơn, hoặc cách tính VN-Index thay đổi theo hướng giảm sự ảnh hưởng của các mã lớn   

Trên thực tế, kế hoạch đưa trần margin về mức tối đa 40% giá trị tài sản đảm bảo đã được đưa ra lấy ý kiến các công ty chứng khoán từ trước, nhưng chưa chốt phương án và thời điểm áp dụng. Trên thị trường, thông tin về margin đang yên ắng, không có diễn biến mới, cũng không có thông tin đồn đoán nào.

Vậy thị trường có quá nóng hay không? Trước đó, VN-Index trong giai đoạn 1.100 điểm tiến lên 1.200 điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường có thể sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng quá nóng thì chưa và cơ hội tăng điểm là có. Động lực tăng trưởng cho thị trường giai đoạn tới có thể đến từ nhóm doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản và hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Có thể coi đợt sụt giảm vừa qua là sự điều chỉnh kỹ thuật, nhưng vẫn không lý giải được phiên “hoảng loạn” ngày 19/4. Thống kê sự thay đổi giá của các mã vốn hóa lớn trong phiên giao dịch này cho thấy, nhiều mã giảm giá mạnh như VIC (-6,9%), SAB (-6,9%), VCB (-5,9%), BID (-5,5%), CTG (-5,8%), MSN (-7%), VPB (-4,7%), VRE (-2,5%)…

“Các mã lớn bị bán ra là nguyên nhân khiến VN-Index giảm mạnh, kéo theo việc bán tháo ở hàng loạt mã chứng khoán khác”, một chuyên gia phân tích nói.

Cái giá của sự lệ thuộc

VIC đang đóng góp khoảng 10% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu này đã tăng giá gấp hơn 3 lần chỉ sau 1 năm, hệ số P/E đạt 71 lần, thuộc nhóm cao nhất thị trường. Ngành bất động sản vẫn đang có triển vọng khả quan, nhưng cổ phiếu VIC tăng giá quá mạnh trong thời gian vừa qua cùng định giá P/E cao là yếu tố khiến một bộ phận nhà đầu tư bán ra chốt lời, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Phiên 19/4, khối ngoại bán ra 2,571 triệu cổ phiếu VIC trên tổng số 5,509 triệu cổ phiếu này được giao dịch.

Tương tự, SAB, VCB đang đóng góp lần lượt 4,77% và 7,44% giá trị vốn hóa toàn thị trường, có P/E ở mức tương ứng 28,8 lần và 24,1 lần. Định giá không quá cao như VIC, nhưng với thanh khoản có phần hạn chế của SAB và giá VCB khá cao so với mặt bằng chung trong bối cảnh cổ phiếu ngành ngân hàng có nguy cơ bị điều chỉnh sau đợt tăng mạnh, diễn biến giảm giá của hai mã này ở từng thời điểm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vấn đề của thị trường là các “ông lớn” đang chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng giá trị vốn hóa của thị trường. Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất đóng góp 59,69% giá trị vốn hóa sàn HOSE; mở rộng ra, nhóm cổ phiếu VN30 đang chiếm gần 80% tổng giá trị vốn hóa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 18 năm hoạt động, nhưng nhìn chung, nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng tâm lý. Trong bối cảnh chỉ số chứng khoán ở vùng đỉnh, sức ép tâm lý càng lớn. Đặc biệt, tình trạng tăng/giảm của thị trường phụ thuộc vào một số mã chứng khoán lớn sẽ tạo ra nguy cơ tăng/giảm sốc. Một nhà đầu tư chốt lời tại VIC, hay chỉ đơn giản là bán ra vài chục nghìn cổ phiếu SAB…, cũng có thể là nguồn cơn cho một phiên giảm điểm mạnh của thị trường.

“Điều thị trường cần lúc này là có thêm nhiều cổ phiếu lớn với thanh khoản tốt hơn, hoặc cách tính VN-Index thay đổi theo hướng giảm sự ảnh hưởng của các mã lớn”, một nhà đầu tư nói.

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ