Cộng sinh các “ông lớn”: Xu thế đang lên ngôi

(ĐTCK) Trước sự đổ bộ của các doanh nghiệp ngoại vào thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước có xu hướng xích lại bên nhau để tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng thấy xu hướng đó một cách khá rõ ràng.
Trước sự đổ bộ của các doanh nghiệp ngoại vào thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đang có xu hướng xích lại bên nhau để tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng thấy xu hướng đó một cách khá rõ ràng. T
FPT Retail, một đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT đã hợp tác với Vinamilk triển khai phân phối sữa tại hệ thống FPT Shop trên toàn quốc FPT Retail, một đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT đã hợp tác với Vinamilk triển khai phân phối sữa tại hệ thống FPT Shop trên toàn quốc

KIDO-GTNFoods -Dabaco

Trên gian hàng trưng bày tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần KIDO (mã KDC) hôm 16/6, nhà đầu tư không chỉ thấy nhiều sản phẩm mới trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống mang thương hiệu KIDO, mà còn cả những sản phẩm rất đặc thù của các doanh nghiệp trong nước lớn khác, trong đó có trà của Công ty cổ phần GTNFoods (mã GTN, sản phẩm trà từ Công ty thành viên Vinatea). Đây là minh chứng về việc hợp tác phân phối sản phẩm giữa GTN với KIDO ở mảng chè.

Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì KIDO đang làm. Trong chiến lược mở rộng kinh doanh được công bố tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, KIDO cho biết đang và sẽ hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất lớn trong khu vực và đây sẽ là cách đi để Công ty rút ngắn thời gian cho ra đời sản phẩm đủ sức thực hiện mục tấn công thị trường thực phẩm đóng gói, đông lạnh và đồ uống.

Đặc biệt hơn, trong năm 2017, KIDO sẽ thực hiện mua 50% vốn của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco - một công ty thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC). Doanh nghiệp này hiện có 3 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, chế biến, bảo quản thịt gia súc, gia cầm; sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn (từ thịt như xúc xích, chả lụa, đồ hộp…) và đóng gói.

KIDO đồng thời cũng sẽ đóng vai trò là nhà phân phối cho các sản phẩm của Dabaco, bên cạnh các hãng sản xuất trong nước khác như: Thực phẩm Tuyền Ký, cháo SG Food…

FPT Retail - Vinamilk

Trước khi chứng kiến cái bắt tay giữa KIDO với các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã từng xôn xao khi FPT Retail - một đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT ký thỏa thuận với Tổng công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM) về việc triển khai chuỗi cửa hàng chuyên doanh sữa Vinamilk trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thị trường đã đặt câu hỏi về việc một doanh nghiệp bán sản phẩm công nghệ thì biết gì về sữa? Nhưng rõ ràng, FPT và Vinamilk đã tìm ra được lợi ích và lý do đủ thuyết phục để cả hai bên ngồi vào bàn ký kết. Vinamilk sở hữu chuỗi nhà máy sản xuất trải dài khắp Việt Nam và thương hiệu đặc biệt nổi tiếng.

Còn FPT Retail sở hữu trên 350 cửa hàng mang thương hiệu FPT Shop và F.Studio by FPT trên khắp 63 tỉnh, thành. Vẫn cần thời gian để những cú bắt tay này này chứng minh hiệu quả, nhưng nếu hợp tác thành công, đây sẽ là điểm cộng mạnh cho cả FPT và Vinamilk trong việc tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường thực phẩm.

Sắp tới là HAGL và Thế giới di động?

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một nguồn tin cho biết, Thế giới di động (Mobile World, mã MWG) và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu để tiến tới việc hợp tác đưa sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai (trái cây các loại) và phân phối tại chuỗi Bách hóa Xanh của Thế giới di động.

Theo đó, với lợi thế về sản xuất quy mô lớn, HAGL sẽ đảm bảo cung cấp lượng lớn trái cây với chất lượng cao, mẫu mã đẹp và kịp thời cho chuỗi Bách hóa Xanh của Thế giới di động.

Ngược lại, chuỗi cửa hàng của Thế giới di động sẽ giúp HAGL tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm trong nước, rút ngắn quãng đường đi của thực phẩm từ nhà sản xuất đến thẳng nhà bán lẻ cuối cùng, không qua khâu trung gian nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm cũng như giá cả và hiệu quả kinh doanh.

Cộng sinh các ông lớn: xu thế đang lên ngôi

Hợp tác là xu hướng không thể thiếu của các doanh nghiệp, nếu muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường. Và các doanh nghiệp lớn đang tiên phong trong xu hướng này, với sự kết hợp rõ ràng nhất là hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối với hy vọng tạo ra giá trị cộng hưởng cho cả hai bên.

Nhiều lợi ích được nhìn thấy như: tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm do yếu tố thương hiệu của cả hai bên, tiết kiệm chi phí chi trả cho các khâu trung gian, giúp tăng hiệu quả kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.

Tất nhiên, con đường đi đến hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi doanh nghiệp thực hiện phân phối có ý định lấn sân sang mảng sản xuất, đổi vai trò từ đối tác sang đối thủ, nhưng thị trường đang được hưởng lợi từ những cái bắt tay này.

Nhà đầu tư chờ đợi có thêm nhiều bắt tay giá trị khác xuất hiện trong không gian của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục