Nhựa Bình Minh: Lợi nhuận sụt giảm
Quý I/2017, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (Nhựa Bình Minh, mã chứng khoán BMP) - doanh nghiệp chiếm 50% thị phần ống nhựa tại miền Nam và khoảng 25% thị phần ống nhựa cả nước, ghi nhận lợi nhuận sụt giảm, mặc dù doanh thu tăng.
Cụ thể, Nhựa Bình Minh đạt 831,5 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 100,1 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh cùng kỳ năm 2016 là 722,5 tỷ đồng doanh thu và 198,3 tỷ đồng lợi nhuận, doanh thu của Nhựa Bình Minh trong quý I/2017 tăng mạnh, nhưng lợi nhuận giảm xấp xỉ 50%.
Lý giải về điều này, Nhựa Bình Minh cho biết, trong quý đầu năm nay, chi phí cho hoạt động bán hàng tăng 4 lần, giá nguyên vật liệu chính tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh cho thấy, các khoản giảm trừ doanh thu trong quý I/2017 là hơn 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 18 tỷ đồng. Với yếu tố này, tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của Công ty trong quý I/2017 là hơn 77,2%, trong khi quý I/2016 là gần 61,6%.
Nhựa Tiền Phong: Lợi nhuận tăng, nhưng biên lợi nhuận tiếp tục giảm
Trong khi lợi nhuận quý I/2017 của BMP sụt giảm thì lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán NTP) tăng.
Cụ thể, Công ty đạt 1.030,7 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 93,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, trong khi con số cùng kỳ năm ngoái tương ứng là 810,7 tỷ đồng và 83,5 tỷ đồng.
Mặc dù tăng về doanh thu và lợi nhuận, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh của Nhựa Tiền Phong cũng cho thấy những sức ép mà Công ty đang phải trải qua.
Trong quý I/2017, Nhựa Tiền Phong hạch toán chi phí bán hàng là 201,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số cùng kỳ năm 2016 là 135,7 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng 27,1%. Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của Công ty là 65,4%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 63,5%.
Số dư hàng tồn kho lớn là yếu tố giúp Nhựa Tiền Phong có tốc độ tăng tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần trong quý I/2017 thấp so với Nhựa Bình Minh, nhưng việc tăng giá hạt nhựa - nguyên liệu chiếm khoảng 80% giá vốn hàng bán của Công ty, có thể sẽ tác động đến lợi nhuận từ quý II/2017.
Sức ép cạnh tranh từ góc nhìn các doanh nghiệp
Là doanh nghiệp nắm tới 57% thị phần tại miền Bắc, 27 - 30% thị phần trên cả nước trong lĩnh vực ống nhựa dân dụng, nhưng bản thân Nhựa Tiền Phong cũng đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ đối thủ truyền thống là Nhựa Bình Minh và những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Báo cáo thường niên năm 2016 của Nhựa Tiền Phong đã phản ánh phần nào câu chuyện cạnh tranh mà Công ty đang phải đối mặt, cũng như bức tranh ngành này.
“Thị trường hiện tại, với các đối thủ cạnh tranh mới là Hoa Sen Group (HSG), Tân Á Đại Thành và các đối thủ từ châu Âu cũng như trong khu vực (đặc biệt là Thái Lan) khi Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương, rủi ro mất thị phần cùng với việc giảm dần biên lợi nhuận là rất cao.
Nhựa Bình Minh vẫn là đối thủ nặng ký, trước đây đứng đầu thị phần nhựa xây dựng miền Nam. Nhựa Bình Minh đã tham gia giành giật thị phần miền Bắc và sẽ là mối đe dọa mạnh mẽ với Nhựa Tiền Phong, cho dù nhà máy của họ tại khu vực này chưa có hiệu quả.
Mới đây nhất, việc thâu tóm tại Nhựa Đà Nẵng (DPC) cũng là một mối nguy hại tiềm tàng cạnh tranh trực tiếp thị phần miền Trung của Nhựa Tiền Phong.
Tham vọng đạt được biên lợi nhuận như Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh, HSG đã nhảy vào mảng ống nhựa xây dựng vài năm trở lại đây.
Mặc dù chưa thực sự có tiếng nói trong thị trường, nhưng với khả năng sản xuất sẵn có cùng với kênh phân phối mạnh và trải dài khắp cả nước được xây dựng từ nhiều chục năm nay, khả năng cạnh tranh của HSG là không thể xem nhẹ”.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đã chia sẻ quan ngại về những thách thức từ các đối thủ mới.
“Sau 3 - 5 năm nữa, Nhựa Tiền Phong có đạt được mục tiêu đứng đầu cả về thị phần và lợi nhuận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Với thực tế ngày càng có nhiều đối thủ lớn thì việc đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu sẽ khó giữ vững được mục tiêu thị phần.
Ngay cả các đối thủ đang đứng đầu về chỉ tiêu lợi nhuận cũng sẽ dần trở lại với lợi nhuận biên của ngành. Do đó, việc cân đối giữa lợi nhuận và thị phần là cần thiết”, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong nói.
Tương tự, Nhựa Bình Minh cũng thể hiện rõ sức ép cạnh tranh mà Công ty đang phải đối mặt trên báo cáo thường niên năm 2017.
“Hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị từ những đơn vị sản xuất cùng ngành có kinh nghiệm và cả những đơn vị mới tham gia trong thị trường ống nhựa đã tạo nên một môi trường cạnh tranh gay gắt, khốc liệt hơn bao giờ hết”, Nhựa Bình Minh nhận xét.
“Thương trường là chiến trường và ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Các đối thủ không ngần ngại để cạnh tranh, giành giật khách hàng và thị phần của Nhựa Bình Minh với đủ các chiêu trò, từ chính sách chiết khấu đến cả nói xấu, tung tin đồn thất thiệt…” (trích báo cáo thường niên của Nhựa Bình Minh).
Cạnh tranh bằng chiết khấu giá lớn
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp ngành bất động sản cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp đã đạt được thỏa thuận với một công ty mới gia nhập lĩnh vực ống nhựa dân dụng, với mức giảm giá lên tới 40 - 60% so với thị trường.
“Họ đầu tư nhà máy lớn, lại mới gia nhập thị trường nên chấp nhận bán rất rẻ. Vì thế, chúng tôi đã ký hợp đồng trọn gói cho tất cả các dự án trong hệ thống. Cạnh tranh kiểu này thì các doanh nghiệp khác khó có thể theo được”, vị chủ tịch doanh nghiệp trên nói.
Trên thực tế, chiết khấu đại lý đang là cuộc đua của các đại gia ngành nhựa.
Theo Nhựa Tiền Phong, chiết khấu cho đại lý ở mức cao là cách để Công ty giữ vững và mở rộng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Với Nhựa Bình Minh, công ty này đã tăng mức chiết khấu lên 4% trong quý I/2017.
Trước câu hỏi của cổ đông về thông tin Tôn Hoa Sen áp dụng chính sách chiết khấu lên tới 35% cho sản phẩm nhựa, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh cho biết: “Nhựa Bình Minh không chạy theo chính sách chiết khấu. Có doanh nghiệp đã chiết khấu 50%. Đã chạy theo (chính sách chiết khấu) là không có điểm dừng”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Nhựa Tiền Phong hay Nhựa Bình Minh khó có thể tiếp tục đứng ngoài cuộc đua chiết khấu lớn khi những “tân binh” của ngành này như Tôn Hoa Sen, Tân Á Đại Thành đang có khả năng chiếm lĩnh thị trường rất nhanh nhờ chính sách giá.
Nhiều khả năng, đến khi biên lợi nhuận của các “ông lớn” giảm về mức trung bình chung của ngành thì câu chuyện cạnh tranh bằng chiết khấu giá mới lắng xuống.