Phiên sáng 21/6: Áp lực bán lan rộng, thị trường đồng loạt giảm mạnh

(ĐTCK) Dù ROS hồi phục sau chuỗi giảm sàn liên tục, nhưng áp lực bán lan rộng ở hầu hết các mã lớn nhỏ khác khiến cả 2 sàn đồng loạt giảm mạnh.
Phiên sáng 21/6: Áp lực bán lan rộng, thị trường đồng loạt giảm mạnh

Trong phiên hôm qua, bất chấp việc quay đầu đi xuống của các trụ cột như VNM, VIC, GAS, MSN cùng đà giảm sàn của ROS, thị trường vẫn tiếp tục leo dốc, chinh phục đỉnh cao mới trong gần 10 năm qua nhờ giao dịch sôi động và khởi sắc ở các mã dòng bank.

Đáng chú ý, dòng tiền chảy mạnh trên sàn HNX đã giúp HNX-Index có thời điểm vượt mốc 100 điểm sau gần 6 năm rưới chia tay mốc điểm “khai sinh” này (từ tháng 2/2011). Tuy nhiên, việc hạ nhiệt của các mã ngân hàng như SHB, NVB cùng áp lực điều chỉnh của nhóm dầu khí, đã khiến chỉ số này không thể trở lại ngưỡng kháng cự trên.

Việc tăng điểm trong 3 phiên liên tiếp đã giúp các chỉ số chính tiếp tục leo lên những nấc thang cao hơn, đồng thời lo ngại về áp lực chốt lời gia tăng trong những phiên tới cũng gia tăng.

Không nằm ngoài dự đoán trên, mở cửa phiên giao dịch sáng 21/6, lực bán gia tăng khá mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến các chỉ số trên 2 sàn chính đều đảo chiều giảm điểm.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, lực cung giá thấp tiếp tục dâng cao trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng quan sát khiến sắc đỏ bao phủ. Trong nhóm bluechip, cũng chỉ còn lác đác vào mã điểm xanh, đã khiến đà giảm thị trường càng nới rộng hơn, VN-Index nhanh chóng thủng ngưỡng 765 điểm.

Sau khoảng 50 phút giao dịch, trên sàn HOSE có tới 125 mã giảm và 97 mã tăng, trong đó, nhóm VN30 có tới 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. Trong khi đó, sàn HNX có tới 79 mã giảm/25 mã tăng, nhóm HNX30 với 17 mã giảm và chỉ 2 mã tăng.

Trái với diễn biến tiêu cực ở nhóm cổ phiếu bluechip, mã lớn ROS sau khi giảm kịch sàn đầu phiên đã có cú đảo chiều tăng điểm. Hiện ROS tăng 800 đồng, đứng tại mức giá 85.100 đồng/CP và đã chuyển nhượng 1,3 triệu đơn vị.

Thông tin hỗ trợ tích cực giúp ROS hồi phục là việc Công ty TNHH MTV Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC, công ty con của Tập đoàn FLC và em ông Trịnh Văn Quyết lần lượt đăng ký mua vào 2,5 triệu cổ phiếu và 1 triệu cổ phiếu.

Trong khi ROS đã bứt lên sau 5 phiên giảm mạnh thì AMD chưa thoát khỏi đà giảm. Có thời điểm lui về mức giá sàn trước áp lực bán mạnh. Chốt phiên, AMD giảm 500 đồng xuống 15.750 đồng/CP với lượng khớp 3,8 triệu đơn vị.

Lực bán về cuối phiên càng lúc càng mạnh và chỉ hồi nhẹ khi chạm ngưỡng hỗ trợ 760 điểm.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE có 99 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index giảm 5,26 điểm (-0,68%) xuống 762,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 153 triệu đơn vị, giá trị 2.591,09 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 38,88 triệu đơn vị, giá trị 213,72 tỷ đồng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,42 điểm (-1,42%) xuống 98,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 45,04 triệu đơn vị, giá trị 522,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 66,76 tỷ đồng. Trong đó gần 3 triệu cổ phiếu OCH và 1,52 triệu cổ phiếu TTH được sang tay.

UPCoM-Index giamr 0,01 điểm (-0,02%) xuống 56,98 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2,67 triệu đơn vị, giá trị 35,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,92 triệu đơn vị, giá trị 55,38 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ EIB tăng nhẹ, còn lại đều quay đầu giảm trở lại. Trong đó, BID giảm 500 đồng, xuống 20.050 đồng với hơn 5,3 triệu đơn vị. 
Trong khi đó, với kế hoạch kinh doanh khả quan được công bố, HAG nhận được sự quan tâm cổ nhiều nhà đầu tư. Chốt phiên, HAG tăng nhẹ với thanh khoản chỉ đứng sau BID với hơn 5,1 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục