Thép được ví như “bánh mì” của nền kinh tế. Ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, tiêu thụ thép vẫn tăng trưởng tối thiểu ở mức 2 con số.
Nhiều doanh nghiệp thép hay tôn thép đạt mức tăng trưởng cao trong năm qua, như HPG tăng trưởng gần 30%/năm, HSG (CTCP Hoa Sen) hay NKG (CTCP Thép Nam Kim) tăng trưởng đến 50%/năm. Điều thú vị là cổ phiếu thép luôn được định giá ở mức P/E thấp hơn mặt bằng chung của thị trường.
Chẳng hạn, ở mức giá đỉnh, HPG cũng chỉ có P/E (chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần) tương đương khoảng 8 lần. Hiện tại, ở mức giá hơn 30.000 đồng/cổ phiếu HPG, dự kiến lợi nhuận năm 2017 đạt 7.200 đến 7.505 tỷ đồng trên vốn điều lệ mới là 15.000 tỷ đồng, định giá P/E của cổ phiếu này khoảng 6 lần.
Trong khi đó, P/E của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản đang dao động từ 8 đến 12 lần, cổ phiếu chứng khoán hơn 12 lần đến 18 lần…
Năm 2017, HPG không có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao do đã hoạt động hết công suất, nhưng sang năm 2018, việc hạch toán lợi nhuận từ dự án Mandarin 2 và Khu liên hiệp Dung Quất giai đoạn 1 sẽ là cơ sở để HPG tăng trưởng mạnh hơn.
Với chính sách bảo hộ ngành thép - tôn thép trong nước thông qua mức thuế cao và hạn ngạch nhập khẩu, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp bán “bánh mì” cho nền kinh tế còn rất lớn
Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng giao dịch ở mức định giá P/E khoảng hơn 6 lần.
Chủ tịch HĐQT HSG, ông Lê Phước Vũ tại nhiều kỳ họp Đại hội đồng cổ đông đã nói rõ tham vọng HSG sẽ thực hiện chia thưởng cổ phiếu liên tục ở tỷ lệ cao, nhưng sau đó giá cổ phiếu sẽ lại tăng về mặt bằng giá cũ.
Kế hoạch ông Vũ nói đã thực hiện được hai năm qua với tỷ lệ chia cổ phiếu là 70% và 50%.
Năm tài chính kết thúc vào tháng 9 tới, với lợi nhuận ở mức hoàn thành kế hoạch là 1.600 tỷ đồng, HSG có khả năng chia cổ tức tới 40%, trong đó nếu 10% băng tiền mặt như thông lệ các năm trước thì tỷ lệ còn lại sẽ là cổ phiếu. Hiện giá HSG dao động quanh 30.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu.
DN ngành tôn thép mới nổi là NKG vừa công bố sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến về phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.
Với số vốn điều lệ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận 600 tỷ đồng, NKG đang giao dịch tại P/E bằng 5 lần. Năm ngoái, một số quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý đã mua 16 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của NKG với giá cao nhất là 29.000 đồng/CP.
Tính tỷ lệ cổ phiếu chia 50% thì hiện nay các nhà đầu tư này đã lời trên giá trị tài sản ròng ít nhất 50% sau chưa đầy 1 năm sở hữu mã này.
Theo kế hoạch, NKG sẽ chia 50% cổ tức tối đa bằng cổ phiếu và tiền mặt. Không rõ đợt phát hành lần này NKG có kết thúc sớm để cổ đông chiến lược cũng được hưởng cổ tức 2017 hay không.
Với chính sách bảo hộ ngành thép - tôn thép trong nước thông qua mức thuế cao và hạn ngạch nhập khẩu, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp bán “bánh mì” cho nền kinh tế còn rất lớn.
Đặc biệt, khi mà Trung Quốc đang bị chống bán phá giá ở hầu hết các thị trường thì cơ hội cho xuất khẩu tôn thép của Việt Nam còn rộng mở.
Tiềm năng khá rõ nét, nhưng vì sao các doanh nghiệp thép hàng đầu chịu mức định giá khá thấp trên TTCK? So với thời điểm cách đây 5 năm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép đã ổn định hơn rất nhiều, dựa vào sản lượng bán hàng với tỷ suất ổn định chứ không phụ thuộc quá lớn vào thương mại, đầu cơ nguyên liệu hàng tồn kho như trước.
Như HPG vào năm 2015 thị trường thép khủng hoảng giá xuống, vẫn đạt tỷ suất lợi nhuận 12% trên doanh thu. HSG năm tài chính này, không được hưởng lợi từ biến động giá thép vẫn đạt 1.600 tỷ đồng lợi nhuận. NKG cũng tương tự, lợi nhuận tăng trưởng là nhờ gia tăng công suất mới khi các dây chuyên mới đầu tư đi vào hoạt động.
Liệu có khả năng cổ phiếu ngành thép sẽ được thị trường định giá lại như đã và đang xảy ra với nhóm cổ phiếu bất động sản hay ngân hàng? Theo nhiều ý kiến, khả năng này là có thể, khi dòng tiền dẫn dắt mạnh hơn và thu hút được nhà đầu tư đại chúng.