Phiên sáng 1/8: Họ Vingroup nâng đỡ, VN-Index duy trì sắc xanh

(ĐTCK) Dòng tiền thận trọng khiến VN-Index rung lắc trong phiên sáng nay, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu Vingroup, VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh khi chốt phiên sáng.
Phiên sáng 1/8: Họ Vingroup nâng đỡ, VN-Index duy trì sắc xanh

Trong phiên hôm qua, diễn biến của VN-Index tương đồng với diễn biến của VIC và tạm nghỉ ở mức cao nhất khi hết giờ nghỉ trưa.

VN-Index bật tăng mạnh trong phiên chiều nhờ dòng tiền chảy mạnh và sự khởi sắc của một số bluechip. Mặc dù đà giảm của VIC, VCB và VNM chỉ khiến VN-Index hạ nhiệt trong đợt ATC, nhưng đóng cửa lên trên 990 điểm.

Trong phiên tối qua, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,25% như dự báo, nhưng phát biểu sau cuộc họp của Chủ tịch Fed, Jerome Powell về việc đây không phải là động thái khởi đầu cho chu kỳ giảm lãi suất của Fed trong thời gian tới khiến giới đầu tư thất vọng, ồ ạt bán tháo, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lao dốc.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt lao dốc theo phố Wall phiên tối qua, nhưng sau đó đã dần hồi phục, thậm chí chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã leo lên trên tham chiếu.

Tại thị trường trong nước, bước vào phiên giao dịch sáng nay 1/8, thị trường mở cửa phiên sáng nay khá thận trọng với dòng tiền dè dặt nhập cuộc. Sau hơn 90 giao dịch, chỉ có hơn 40 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 800 tỷ đồng khớp lệnh.

Trong khi diễn biến các cổ phiếu mờ nhạt, với các cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip giật cục, khiến chỉ số VN30-Index giằng co khá mạnh quanh tham chiếu, nhưng cũng chỉ trong biên độ hẹp.

VN-Index khả quan hơn một chút, khi chủ yếu ở mức trên tham chiếu, nhưng đang khá khó khăn để giữ vững điểm số sau hơn 1 giờ giao dịch và chỉ nhờ một vài mã lớn còn tăng nhẹ nâng đỡ như VIC, VHM, SAB, VNM.

Sự phân hóa khá mạnh diễn ra trên bảng điện tử với hệ số tăng/giảm cân bằng, trong đó, nhóm cổ phiếu chịu áp lực lớn là YBM, TGG đều giảm sàn và trắng bên mua.

Ngược lại, đáng chú ý nhất trong số các mã tăng là GAB, khi vươn lên mức giá trần từ sớm tại 9.490 đồng và tạm thời không có lệnh bán.

Một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đang thu hút người mua và tăng điểm với thanh khoản khá là IJC, HDG, KBC, PDR, NTL, NLG, DXG, LDG.

Điểm đáng chú ý trong nửa cuối phiên là VN-Index có nhịp hồi lên trên 995 điểm nhờ cổ phiếu VIC và VHM khởi sắc, mặc dù cũng chỉ là tăng nhẹ, nhưng những phút cuối, chỉ số đã thoái lui đôi chút xuống dưới ngưỡng điểm trên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 130 mã tăng và 148 mã giảm, VN-Index tăng 2,75 điểm (+0,28%), lên 994,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 100,2 triệu đơn vị, giá trị 2.189,7 tỷ đồng, tăng hơn 21% về khối lượng nhưng giảm 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 40,3 triệu đơn vị, giá trị 939,7 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa mạnh, với rổ VN30 có 15 mã tăng và 14 mã giảm, và chỉ số chủ yếu nhận được trợ lực từ VIC +1,4% lên 123.700 đồng; VHM +0,9% lên 89.000 đồng.

Bên cạnh đó là mức tăng nhẹ tại VNM +0,7% lên 124.100 đồng; SAB +0,8% lên 281.100 đồng; MSN +0,5% lên 80.400 đồng; VRE +0,4% lên 37.100 đồng. Cùng một số bluechip như TCB +0,2%; HPG +0,9%; MWG +0,7%; NVL +0,4%...

Trái lại, giảm điểm kéo lùi thị trường có VCB -0,4% xuống 79.900 đồng; GAS -0,6% xuống 108.400 đồng; CTG -0,7% xuống 20.600 đồng; PLX -0,5% xuống 65.200 đồng; VJC -0,8% xuống 132.400 đồng.

Hay như ROS -2,8% xuống 26.400 đồng; CTD -1,3% xuống 111.500 đồng; MBB -0,5%; VPB -0,5%; POW -0,4%...

Thanh khoản cao nhất vẫn là ROS với hơn 3,36 triệu đơn vị khớp lệnh cùng 13,84 triệu cổ phiếu thỏa thuận, trị giá hơn 402,3 tỷ đồng.

Tiếp theo là HPG với 2,68 triệu đơn vị; STB là mã đứng tham chiếu duy nhất trong rổ VN30, có 1,44 triệu đơn vị. Nhóm VRE, SBT, CTG, MBB có từ 0,5 triệu đến 0,83 triệu đơn vị.

Sự phân hóa mạnh ko chỉ diễn ra trong nhóm bluechip, mà còn ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhưng nhìn chung là giảm điểm với FLC, AAA, ITA, TCH, HAG, HBC, SCR, ASM, AMD, IDI, HAI, PVD, SHI, HSG…khớp lệnh từ 0,58 triệu đến 1,99 triệu đơn vị.

Dòng tiền chảy khá tốt vào một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ như NTL, IJC, PDR, KBC, NLG, HDG, LDG, LCG, DXG, KDH…số này khớp từ 0,3 triệu đến 1,83 triệu đơn vị.

Một số khác đáng chú ý là sắc tím tại D2D lên 84.500 đồng và GAB lên 9.490 đồng. D2D khớp hơn 320.000 đơn vị, GAB khớp hơn 240.000 vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chỉ duy trì được sắc xanh trong nửa đầu phiên, sau đó bị đẩy xuống tham chiếu và giam dịch tại vùng giá thấp đến hết phiên.

Nhóm cổ phiếu lớn, thanh khoản tốt đa số thiếu tích cực như ABC -0,4% xuống 22.700 đồng; PVS -0,5% xuống 22.300 đồng; DGC -1,3% xuống 31.600 đồng; NVB -1,3% xuống 7.700 đồng; MBS -1,3% xuống 15.500 đồng; SHS -3,3% xuống 8.700 đồng; NDN -0,6% xuống 17.200 đồng; VCR -3,1% xuống 19.000 đồng, cùng CEO, SHB, VCG, PVB đứng giá tham chiếu.

Tăng điểm số ít chỉ còn VCS +3,4% lên 79.000 đồng; PVI +1,4% lên 36.500 đồng; TNG +2,2% lên 18.900 đồng, cùng các mã nhỏ KLF (tăng trần), HUT, MST.

Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 1,7 triệu đơn vị. CEO đứng ngay sau, nhưng chỉ có hơn 0,76 triệu đơn vị. ACB, PVS, KL, SHS, NDN có từ 0,3 triệu đến 0,56 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 40 mã tăng và 55 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,15%), xuống 104,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,05 triệu đơn vị, giá trị 126,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,24 triệu đơn vị, giá trị 46,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tiêu cực hơn, khi chỉ số UpCoM-Index kết phiên trong sắc đỏ và phần lớn thời gian giao dịch là dưới tham chiếu.

Mặc dù vậy, một số mã thanh khoản cao vẫn tăng như BSR, VGI, VGT, CTR, VIB, VEA, SIP. Trong khi 2 cổ phiếu có khớp lệnh cao nhất là GVR và GEG chỉ có giá tham chiếu, nhưng cũng chỉ có lần lượt 0,51 triệu và 0,32 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,15%), xuống 58,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,08 triệu đơn vị, giá trị 79,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,13 triệu đơn vị, giá trị 153 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là 4 triệu cổ phiếu VLB giá trị 147,6 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục