Trong số 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, hiện đã có một số công ty đang niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán như Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (mã chứng khoán ABI); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán BIC); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (mã chứng khoán BLI); Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI); Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán MIG); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán PGI); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI); Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI)…
Với mức chi trả cổ tức trung bình từ 10 - 15%/năm, cổ phiếu ngành bảo hiểm không phải là cổ phiếu “hot” trong mắt nhà đầu tư cá nhân, nhưng với nhà đầu tư tổ chức vẫn luôn có sức hút nhất định.
Bảo hiểm MIC lên kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE để thuận lợi hơn trong việc thu hút nhà đầu tư ngoại.
Thực tế, việc đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược của các công ty bảo hiểm trong nước là cuộc chơi win - win cho các bên. Bởi với một thị trường bảo hiểm còn non trẻ như Việt Nam, sự tham gia của những nhà bảo hiểm lớn trên thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tiếp cận được sự chuyên nghiệp, những kinh nghiệm thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới của những “ông lớn” này và tạo ra những bước tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt với những doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần còn nhỏ.
Sau “cú bắt tay” với FairFax, nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Canada (năm 2015) Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã gặt hái được nhiều thành công.
Trong giai đoạn 2015 - 2018, doanh thu phí bảo hiểm của BIC liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hơn bình quân toàn thị trường và vượt mốc 2.000 tỷ đồng năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng trưởng xấp xỉ 10%/năm, vượt 200 tỷ đồng vào năm 2018.
Với mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ đạt 2.220 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 223 tỷ đồng, năm 2019, hãng bảo hiểm này vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, quản lý rủi ro…
PTI cũng có những thay đổi ngoạn mục kể từ thời điểm bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2011. Doanh thu của PTI năm 2011 chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng thì năm 2019 dự kiến tăng gấp 5 lần, vượt con số 5.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, khi có sự bắt tay của cổ đông chiến lược là Công ty Bảo hiểm DB, hãng bảo hiểm này cũng tận dụng thành công lợi thế về công nghệ thông tin của đối tác chiến lược, vươn lên trở thành doanh nghiệp số 1 về bảo hiểm trực tuyến trên thị trường.
“Sự minh bạch hóa các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh khi niêm yết trên sàn không chỉ giúp tăng niềm tin với khách hàng và bản thân các doanh nghiệp cũng cần có nhiều nỗ lực hơn để hoàn thiện chất lượng dịch vụ, đảm bảo mọi thông tin về doanh nghiệp luôn đẹp”, đại diện PTI nhìn nhận.
Trong một động thái khác, dù đã đưa cổ phiếu lên UPCoM năm 2017, nhưng với mục tiêu lọt Top 3 của thị trường bảo hiểm, Bảo hiểm MIC đã lên kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE để hấp dẫn nhà đầu tư nhiều hơn, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Theo hãng bảo hiểm này, việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán là một trong những cách thức quảng cáo tốt nhất cho doanh nghiệp, từ đó, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh cũng như trong việc tìm kiếm đối tác tốt để thực hiện M&A. Năm 2019, hãng bảo hiểm này đặt kế hoạch doanh thu 2.488 tỷ đồng và hiện đang nằm trong Top 6 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất.