IFRS 17: Tranh cãi chưa có hồi kết

(ĐTCK) Được ban hành vào tháng 5/2017, Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 17 (IFRS 17) lẽ ra sẽ được áp dụng cho niên độ kế toán bắt đầu từ 1/1/2021. Tuy nhiên, Ủy ban Chuẩn mực báo cáo tài chính Quốc tế (IASB) đã phải tạm lùi thời điểm áp dụng IFRS 17 một năm. Đâu là lý do của việc này?
IFRS 17: Tranh cãi chưa có hồi kết

Sự ra đời của IFRS 17

Là một chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế toàn diện trong việc xây dựng nên khuôn khổ kế toán thống nhất cho tất cả các loại hợp đồng bảo hiểm, IFRS 17 là kết quả giai đoạn 2 của dự án soạn thảo chuẩn mực báo cáo tài chính cho hợp đồng bảo hiểm từ năm 1997 của IASB.

Do không đủ thời gian hoàn thành dự án này trước thời điểm bắt buộc áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) từ năm 2005, IASB đã chia dự án ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 - hoàn thành IFRS 4 trong năm 2004; giai đoạn 2 - hoàn thành IFRS 17 trong năm 2017 để thay thế cho IFRS 4. Tuy nhiên, do nhiều thách thức trong quá trình chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực này, IASB đã tạm lùi thời điểm bắt đầu áp dụng IFRS 17 thêm một năm nữa, sang 1/1/2022.  

IFRS 17: Tranh cãi chưa có hồi kết ảnh 1

Những khác biệt giữa IFRS 17 và IFRS 4

IFRS 4 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải trình bày thông tin về hợp đồng bảo hiểm, nhưng không đưa ra quy định cụ thể về phương pháp đánh giá hợp đồng bảo hiểm, mà cho phép áp dụng các nguyên tắc kế toán của từng quốc gia, hoặc những diễn giải từ các nguyên tắc đó, để đánh giá các hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm phát hành. Kết quả là các nhà đầu tư và phân tích gặp nhiều khó khăn trong việc phân tích nhóm sản phẩm bảo hiểm nào có lãi, nhóm nào bị lỗ, cũng như xu thế của thông tin về các hợp đồng bảo hiểm.

Trong khi đó, IFRS 17 đưa ra một khuôn khổ kế toán thống nhất cho tất cả các loại hợp đồng bảo hiểm. IFRS 17 đưa ra 3 mô hình đánh giá: mô hình chung (general model), mô hình phân bổ phí bảo hiểm (premium allocation approach) và mô hình phí dao động (variable fee approach). Các doanh nghiệp bảo hiểm được yêu cầu sử dụng các ước tính và giả định cập nhật nhất khi đánh giá hợp đồng bảo hiểm nhằm thể hiện giá trị theo thời gian của dòng tiền và những bất định liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đó. Chính yêu cầu này của IFRS 17 sẽ giúp cung cấp các thông tin minh bạch hơn về tình hình tài chính cũng như các rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.

IFRS 17 cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chỉ ghi nhận lãi tại thời điểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm, chứ không phải tại thời điểm nhận phí bảo hiểm như hiện nay. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải cung cấp thông tin liên quan đến lãi từ các hợp đồng bảo hiểm dự kiến ghi nhận trong tương lai. Các thông tin này sẽ được dùng để làm thước đo đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm theo thời gian.  

Áp dụng IFRS 17: Lợi ích và thách thức

IFRS 17 hứa hẹn sẽ cải thiện tính minh bạch và tính dễ so sánh của thông tin. Ðồng thời, chuẩn mực này cũng được đánh giá là rất tốn kém và phức tạp khi áp dụng và duy trì.

Bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và đảm bảo, PwC Việt Nam.

IFRS 17 thống nhất cách hạch toán kế toán cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm, tăng khả năng so sánh thông tin của các hợp đồng bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm ở các quốc gia khác nhau, giữa các hợp đồng bảo hiểm với nhau và giữa các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. IFRS 17, do đó, giúp cung cấp nhiều thông tin minh bạch và hữu ích hơn về nghĩa vụ bảo hiểm và tình hình lãi lỗ ở hiện tại cũng như trong tương lai của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc áp dụng IFRS 17 cũng mang đến nhiều thách thức vì tính phức tạp của chuẩn mực này. Ðầu tiên là ảnh hưởng về hoạt động do IFRS 17 đòi hỏi thông tin quá khứ rất chi tiết, cách tính toán phức tạp hơn và phải thường xuyên được cập nhật theo thời gian. Ðiều này dẫn đến những thay đổi không chỉ về phương pháp tính phí (actuarial methods), mà cả về hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống báo cáo, cũng như cập nhật các quy trình hoạt động nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm.

Hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm phải đủ mạnh để thu thập, lưu trữ và truy xuất dữ liệu theo quy cách và số lượng như yêu cầu của IFRS 17. Doanh nghiệp cũng phải tốn nhiều chi phí hơn để tuyển dụng và đào tạo nhân viên có kỹ năng phù hợp cho việc áp dụng chuẩn mực. Những thay đổi này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực và đầu tư tài chính từ doanh nghiệp bảo hiểm.

Tiếp đến là những ảnh hưởng đến báo cáo tài chính do việc áp dụng một chuẩn mực chung. Trước đây, các doanh nghiệp bảo hiểm được lựa chọn áp dụng các thông lệ kế toán khác nhau và mỗi doanh nghiệp cũng phát hành nhiều loại hợp đồng bảo hiểm khác nhau. Từ đó, những ảnh hưởng của IFRS 17 đến báo cáo tài chính được dự đoán là sẽ rất khác nhau giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Ví dụ, các hợp đồng ngắn hạn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, ngược lại, các hợp đồng dài hạn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ðiều này dẫn đến những thay đổi trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm và họ cần cập nhật các thay đổi này đến các bên liên quan của doanh nghiệp.

Trải qua gần 20 năm tranh cãi, việc ban hành IFRS 17 vào tháng 5/2017 vẫn chưa thể kết thúc các ý kiến khác nhau về việc nên hạch toán kế toán một hợp đồng bảo hiểm như thế nào. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi đặt ra về việc áp dụng chuẩn mực này ra sao, những ảnh hưởng của nó đến kết quả kinh doanh trình bày trên báo cáo tài chính, dẫn đến những đánh giá của thị trường về doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào...

Do vậy, IFRS 17 chắc chắn là một thách thức rất lớn không chỉ cho riêng bộ phận tính phí hoặc bộ phận kế toán tài chính mà còn cho toàn bộ doanh nghiệp bảo hiểm. Việc gia hạn thời gian áp dụng chuẩn mực này đến năm 2022 sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, nhưng IFRS 17 vẫn sẽ là một thách thức lớn mà doanh nghiệp bảo hiểm nên giải quyết càng sớm càng tốt.

Trần Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và đảm bảo, PwC Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục