Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch giằng co về điểm số với những phiên tăng giảm xen kẽ nhau. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các mã bluechip và vốn hóa lớn, chỉ số Vn-Index đã vượt xa mốc 960 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần.
Với tâm lý giao dịch thận trọng trong suốt tuần khiến dòng tiền tham gia vào thị trường cũng có phần hạn chế và thanh khoản sụt giảm đáng kể. Thêm vào đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái bán ròng hàng trăm tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán CTCK Vidirect, nhiều khả năng điều này vẫn sẽ lặp lại bởi đây là tâm lý chung truyền thống của người Việt Nam trong nhiều ngành nghề như chứng khoán, kinh doanh bất động sản, mua bán ô tô... thường hạn chế giao dịch trong tháng Ngâu.
Điều này có thể khiến thanh khoản sụt giảm và giao dịch kém sôi động trên thị trường, nhưng cũng không tác động nhiều tới xu hướng.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (ngày 13/8), dòng tiền vẫn tham gia khá dè dặt và thị trường tiếp diễn xu hướng giằng co. Chỉ số VN-Index liên tục đổi sắc trong nửa đầu phiên sáng.
Sau hơn 90 phút giao dịch, sức ép từ các cổ phiếu lớn khi VNM, VIC, SAB, MSN… cùng áp lực chốt lời khiến họ dầu khí quay đầu đảo chiều giảm như GAS, PLX khiến VN-Index đang ngày càng lùi sâu dưới mốc tham chiếu.
Trong khi đó, các mã ngân hàng như BID, CTG, VPB, STB, MBB đang đóng vai trò là lực đỡ chính cho thị trường.
Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc đầu phiên thị trường đã bật tăng với sự hỗ trợ của các mã lớn như ACB, VCG, NTP, SHB, HUT, VCG…
Tuy nhiên, dòng tiền bất ngờ chảy mạnh vào thị trường với tâm điểm là các mã trong nhóm cổ phiếu VN30 đã giúp thị trường đảo chiều thành công sau hơn 2 giờ giao dịch. Các cổ phiếu lớn trong nhóm dầu khí như GAS, PLX đều bật cao, đã kéo VN-Index tăng vọt và chính phục thành công mốc 970 điểm.
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 3,01 điểm (0,31%) lên mức điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 114,76 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.565,67 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 18,72 triệu đơn vị, giá trị 261,56 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, mặc dù chịu áp lực chốt lời trong gần suốt phiên sáng khiến các cổ phiếu nhóm dầu khí đều lao đầu đi xuống hoặc đứng giá tham chiếu, nhưng họ P đã bất ngờ đảo mạnh về cuối phiên với mức tăng khá tốt, như GAS tăng 1,4% lên mức 100.100 đồng/CP, PLX tăng 2,8% lên mức 65.700 đồng/CP, PVD tăng 0,6% lên mức 16.450 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vua vẫn là tâm điểm của thị trường với sắc xanh bao phủ khá rộng cùng giao dịch sôi động. Cụ thể, BID tăng 1,8% lên mức 30.450 đồng/CP và khớp 1,92 triệu đơn vị; CTG tăng 5,2% lên mức 25.500 đồng/CP và khớp hơn 8,5 triệu đơn vị, MBB tăng 2,6% lên mức 23.850 đồng/CP và khớp 7,43 triệu đơn vị; VPB tăng 0,7% lên mức 27.000 đồng/CP và khớp 2,92 triệu đơn vị, STB tăng 3,6% lên mức 11.650 đồng/CP và khớp 5,91 triệu đơn vị.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngành thép. Sau gần 10 phiên đứng giá hoặc giảm mạnh, HSG đã bật cao trong phiên sáng đầu tuần và chốt phiên với mức tăng 6,8% lên mức giá trần 11.050 đồng/CP, khớp lệnh 3,62 triệu đơn vị; còn HPG tăng 2% lên mức 37.750 đồng/CP và khớp 6,73 triệu đơn vị.
Trái lại, “ông lớn” VNM say 3 phiên liên tiếp hồi phục lại chịu sức ép bán ra và lui về dưới mốc tham chiếu với mức giảm 0,8%, tạm đứng giá 155.900 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi GTN vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ thì TTF lại đảo chiều thành công nhờ lực cầu hấp thụ mạnh với mức tăng hết biên độ 6,8% lên mức 2.680 đồng/CP và khớp lệnh 721.860 đơn vị, dư mua trần 1,16 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà tăng cũng có phần nới rộng hơn giúp chỉ số HNX-Index đang tiến gần hơn với mốc 110 điểm.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,09 điểm (+1,01%) lên mức 109,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 38,38 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 491,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 45.189 đơn vị, giá trị hơn 115 triệu đồng.
Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng ACB và SHB cũng là điểm sáng trên sàn. Trong đó, SHB tăng 7,4% lên sát mốc trần 8.700 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 16,85 triệu đơn vị; còn ACB tăng 0,5% lên mức 37.500 đồng/CP và khớp 3,87 triệu đơn vị; NVB tăng 2,8% lên mức 7.300 đồng/CP và khớp 1,16 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, diễn biến rung lắc cũng diễn ra trong phiên sáng, tuy nhiên may mắn đã thoát hiểm ở phút cuối của phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01% lên mức 51.370 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 86,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,78 triệu đơn vị, giá trị 32,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng LPB dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 1,28 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Chốt phiên, LPB tăng 1,1% tạm đứng tại mức giá 9.600 đồng/CP.
Đứng thứ 2 về thanh khoản là BSR với khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị và tạm đứng ở mức giá 18.300 đồng/CP, tăng 0,6%.