Trong tuần trước, VN-Index đã liên tục gặp thất bại khi cố chinh phục ngưỡng đỉnh cũ 1.130 điểm được thiết lập trước Tết. Thậm chí, trong phiên cuối tuần trước, chỉ số này đã nhảy qua cả ngưỡng 1.135 điểm, nhưng cuối cùng bị ẩy lùi rất sâu xuống dưới tham chiếu. May nhờ có sự hỗ trợ của một số mã lớn ngân hàng, nhất là VCB, CTG giúp VN-Index không giảm mạnh.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán trong nước nhận thông tin hỗ trợ tích cực từ đà khởi sắc của chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần trước và chứng khoán châu Á trong phiên sáng nay sau dữ liệu thị trường lao động Mỹ tích cực và nỗi lo lạm phát Mỹ tạm thời được đẩy lùi.
Đánh giá về xu hướng thị trường trong tuần này, một số chuyên gia cho rằng, tuần này sẽ là tuần biến động, nhất là vào những phiên cuối tuần do là tuần chốt danh mục của 2 quỹ ETF ngoại. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể tranh thủ các phiên điều chỉnh để gia tăng danh mục cổ phiếu, nhất là các mã bluechip, trong đó dòng ngân hàng, chứng khoán vẫn được đánh giá cao.
Đúng như đánh giá trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khởi sắc ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, giúp VN-Index tăng mạnh vượt qua ngưỡng 1.135 điểm. Dù chịu chút khó khăn, nhưng chỉ số này vẫn đang giữ được trên ngưỡng 1.130 điểm.
Trong top 5 mã có thanh khoản tốt nhất sàn, có tới 3 mã ngân hàng, trong đó STB và CTG đang là 2 mã đứng đầu và đều có mức tăng khá tốt. Ngoài ra, ngoại trừ VPB đang giảm, HDB giằng co quanh tham chiếu, còn lại VCB, BID, EIB, MBB cũng đều có mức tăng tốt trong phiên sáng nay.
Ngoài ra, VNM cũng đã trở lại, cùng với sự hỗ trợ của VRE, nhóm chứng khoán, nên VN-Index đang rất nỗ lực chinh phục ngưỡng đỉnh cũ và cũng là ngưỡng kháng cự mạnh 1.130 điểm.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 7,52 điểm (+0,67%), lên 1.130,93 điểm với 117 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 127,86 triệu đơn vị, giá trị 3.768,61 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,3% về khối lượng và 6,7% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,5 triệu đơn vị, giá trị 422,49 tỷ đồng.
Tương tự, cũng với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, nhất là ACB và SHB, cùng PVS, HNX-Index cũng leo cao ngay từ đầu phiên và duy tri đà tăng khá tốt.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,57 điểm (+1,23%), lên 129,51 điểm với 76 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,11 triệu đơn vị, giá trị 617 tỷ đồng, tăng 18,83% về khối lượng và 16,58% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Như đã đề cập ở trên, nhóm ngân hàng chính là bệ đỡ chính cho các chỉ số trong phiên sáng nay, dù sắc đỏ trên cả 2 bảng điện tử chiếm ưu thế.
Trên HOSE, STB và CTG là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với 12,6 triệu đơn vị và hơn 6,1 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào rất mạnh STB với hơn 1,5 triệu đơn vị mua ròng. Đóng cửa phiên, STB tăng 3,9%, lên 16.000 đồng, CTG tăng 3,24%, lên 33.450 đồng.
Ngoài ra, VCB tăng 2,25%, lên 72.600 đồng, BID tăng 3,22%, lên 39.650 đồng, 1,79%, lên 34.100 đồng, EIB tăng 1,4%, lên 14.450 đồng. Trong khi 2 mã đi ngược xu hướng chung của nhóm là VPB giảm 0,94%, xuống 63.300 đồng và HDB giảm 0,38%, xuống 42.350 đồng.
Bên cạnh đó, VNM cũng hồi phục trở lại sau phiên giảm trước đó với mức tăng 0,48%, lên 209.000 đồng. Nhóm dầu khí với GAS tăng 3,21%, lên 115.600 đồng, PVD tăng 0,7%, lên 21.550 đồng, trong khi PLX đứng ở mức tham chiếu 84.000 đồng.
Các mã lớn khác cũng có sác xanh là VRE (+0,36% lên 55.900 đồng), VJC (+0,43%, lên 209.900 đồng), MWG (+1,2%, lên 117.500 đồng)… Trong khi các mã khác lại quay đầu giảm nhe VIC (--2,42%, xuống 101.000 đồng), DCM, DPM…
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, IDI và EVG gây chú ý khi IDI có tổng khớp tới 6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,74%, lên 15.000 đồng, còn EVG tiếp tục tăng trần lên 5.750 đồng với 2 triệu đơn vị được khớp.
Các mã khác lại có sự phân hóa như FLC, SCR, HAG, HNG tăng nhẹ, còn HQC, HAR, AMD, OGC, QCG, DLG, KBC, ITA, TSC, FIT, KSB, KSH đóng cửa trong sắc đỏ.
Trên HNX, SHB tăng 3,25%, lên 12.800 đồng với 11,94 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn. Tiếp đến cũng là một mã ngân hàng là ACB với 3,33 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,42%, lên 48.400 đồng. PVS cũng tăng 0,84%, lên 23.900 đồng với 1,86 triệu đơn vị được khớp.
Trong các mã thị trường, trong khi KLF, PIV giảm giá, thì NDN, KVC, DCS, NHP, DPS lại đóng cửa trong sắc tím và thanh khoản cũng khá tốt.
Trên UPCoM, dù cũng mở cửa trong sắc xanh, nhưng đà tăng chỉ duy trì được nửa đầu phiên trước khi chỉ số UPCoM-Index quay đầu giảm vào nửa cuối phiên và đóng cửa trong sắc đỏ.
Cụ thể, chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,33%), xuống 61,17 điểm với 60 mã tăng và 54 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,65 triệu đơn vị, giá trị 306 tỷ đồng.
UPCoM-Index đóng cửa trong sắc đỏ khi hàng loạt mã lớn như BSR, VIB, OIL, DVN, HVN, VGT giảm giá, nhưng không quá mạnh. May mắn POW đứng ở tham chiếu, SDI, MSR, ACV, MCH, VSN, LPB tăng giá mới giúp chỉ số UPCoM-Index không giảm sâu.
Trong đó, LPB là mã có thanh khoản tốt nhất với 2,38 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,2%, lên 16.100 đồng. POW cũng được khớp khá lớn với 2,34 triệu đơn vị và đứng ở tham chiếu 17.300 đồng.