Bàn tròn chứng khoán: Sẽ có biến động mạnh

(ĐTCK) Tuần tới là tuần cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF, nên thị trường sẽ có biến động mạnh ở các phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, những nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư, nhất là ở những mã Lagercap.
Bàn tròn chứng khoán: Sẽ có biến động mạnh

Sau một tuần giằng co với các phiên tăng giảm đan xen, thị trường được dự báo tiếp tục diễn biến phân hóa trước khi có cơ sở chắc chắn về một xu hướng tăng giá mới. Quan điểm của các ông/bà như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Sau khi đã đạt đỉnh cao, thị trường đã củng cố trong 1 tháng gần đây và đã hai lần chưa thể xuyên thủng ngưỡng kháng cự quanh 1.130 điểm. Đây là giai đoạn thị trường nhận nhiều tin tức vĩ mô và doanh nghiệp dồn dập diễn ra cho đến cuối tháng 4.

Ngoài kỳ review của các quỹ ETF sắp tới, thì các cuộc họp ĐHCĐ đang diễn ra cũng tác động mạnh đến xu hướng giao dịch của nhà đầu tư dựa vào kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp năm nay.

Sẽ có nhiều đợt điều chỉnh và đây là cơ hội để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu mục tiêu

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Tôi cho rằng, hiện tại, thật sự chưa có nhiều tin tức lạc quan để hỗ trợ xu hướng tăng giá, vì vậy thị trường có thể củng cố quanh vùng hiện tại thêm một vài tuần nhưng sau đó sẽ hình thành mốc đỉnh cao mới dựa vào sự tăng trưởng của nhiều cổ phiếu đầu ngành vào kết quả quý I năm nay. Vì vậy, đây có thể xem là thời điểm nhà đầu tư lựa chọn và nắm giữ cổ phiếu mục tiêu trung hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Thị trường đã có tuần giao dịch đi ngang và giằng co tại vùng đỉnh cũ, điểm tích cực là khối lượng giao dịch cải thiện hơn so với tuần giao dịch trước và dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Midcaps.

Bàn tròn chứng khoán: Sẽ có biến động mạnh ảnh 1

 Ông Nguyễn Thế Minh

Mặc dù xu hướng đi ngang kéo dài trong tuần giao dịch qua, nhưng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu xác lập đỉnh, nghĩa là rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tăng.

Tuy nhiên, đây là tuần cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF, cho nên tâm lý nhà đầu tư sẽ thận trọng và chờ đến các phiên giao dịch cuối tuần. Do đó, tôi vẫn đánh giá thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng trong tuần giao dịch tới.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Tôi cũng nghĩ là có phân hóa. Chỉ số VN-Index đang chịu tác động từ khoảng 20 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD, mà những nhóm này, dù luân phiên làm trụ đỡ, nhưng cũng tăng giá khá nóng, tăng giá khá lâu và ở mức định giá khá cao, do đó sẽ có điều chỉnh.

Đối với nhóm largecap, tôi chờ xem những mã trụ cho chỉ số sắp tới có điều chỉnh giảm hay không, ví dụ như VIC, GAS, MSN, VJC… Những mã này nếu giảm cùng lúc, chắc chắn VN-Index sẽ bị tác động theo, do đó nhìn chung là đánh nhanh rút gọn

- Ông Hoàng Thạch Lân

Thực tế, cũng đang có mã điều chỉnh, ví dụ như GAS, HPG… Nếu nhiều mã giảm đồng thời, chỉ số sẽ giảm.

Tuy nhiên, thị trường còn đang trong giai đoạn chờ tin từ ĐHCĐ, cũng như giao dịch của khối ngoại cũng càng ngày khó hiểu hơn, ví du như họ bán ròng những mã vẫn đang định giá thấp và mua ròng những mã định giá cao. Do đó, tình trạng phiên tăng phiên giảm của chỉ số có lẽ vẫn diễn ra trong tuần tới.

Sau nhiều chờ đợi, Hiệp định CPTPP đã được ký kết vào ngày 8/3/2018. Ông/bà đánh giá như thế nào về tác động của Hiệp định CPTPP tới các nhóm ngành trên TTCK Việt Nam và đâu là nhóm ngành được hưởng lợi?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Hiện tại, một số ngành được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều khi Hiệp định CPTPP được ký kết là thủy sản, gỗ, dệt may, da giầy. Tuy nhiên, có thể thấy, hiện tại, không có nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành này niêm yết trên sàn, vì vậy nhà đầu tư hầu như không có nhiều sự lựa chọn.

Nhóm ngành dệt may là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất so với các ngành khác, nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý để Hiệp định CPTPP thực tế được áp dụng, cần khoảng thời gian ít nhất 1 - 2 năm và sẽ còn nhiều sự thay đổi trong thời gian tới.

Ít nhất, việc thông qua hiệp định giúp Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và cải cách thể chế để hội nhập kinh tế quốc tế tốt hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Đây là tuần tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF cho nên thị trường sẽ có biến động mạnh ở các phiên giao dịch cuối tuần và chiến lược đầu tư ngược với các quỹ ETF cũng được xem là chiến lược mang lại tỷ suất sinh lợi tốt

- Ông Nguyễn Thế Minh

Hiệp định CPTPP sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho Việt Nam, trong đó có thủy sản và dệt máy, đặc biệt dự báo làn sóng FDI sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và tác động tích cực lên nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản và hệ thống logistics.

 

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

CPTPP là 1 hiệp định đa phương, liên quan đến 10 quốc gia có quan hệ xuất nhập khẩu với nước ta, nên hiển nhiên là mọi người sẽ liên tưởng đến các nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu cao trước tiên, như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, thực phẩm, đồ gỗ…

Có rất nhiều công ty niêm yết thuộc các nhóm ngành này. Trong điều kiện hiện nay, tôi kỳ vọng nhiều nhất vào dệt may và nông sản.

Ở góc độ đầu tư, ông/bà có xu hướng đón đầu những nhóm cổ phiếu có hiệu ứng từ Hiệp định CPTPP?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Hiện tại, tôi vẫn dựa trên việc các doanh nghiệp có được những thuận lợi gì về thuế, xuất nhập khẩu và sự tương tác giữa các doanh nghiệp trong ngành trong năm nay để ra chiến lược đầu tư.

Thông tin ký kết CPTPP có thể phù hợp cho việc lướt sóng ngắn hạn, nhưng đó chỉ là điều kiện phụ thêm.

Năm nay, các ngành như dệt may sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong nhóm hưởng lợi từ hiệp định này và nhà đầu tư có thể xem xét ở các doanh nghiệp đầu ngành để có chiến lược mua tích lũy.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Về lý là như vậy, nhưng thực tế thì còn tùy mã cụ thể. Tôi thích ưu tiên vào những mã sắp có tin tốt từ kỳ họp ĐHCĐ.

Bàn tròn chứng khoán: Sẽ có biến động mạnh ảnh 2

 Ông Hoàng Thạch Lân

Như đã nói ở trên, có vẻ như nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại không thực sự hào hứng lắm với tin CPTPP, do đó tôi cần thêm thông tin hỗ trợ cổ phiếu, mà vào lúc này thì ĐHCĐ có lẽ là một nguồn thông tin có giá trị hơn cả.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Như nhận định trên của tôi, các nhóm cổ phiếu sẽ hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định này là dệt may, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp và logistics.

Còn trong ngắn hạn, đâu sẽ là chiến lược đầu tư phù hợp, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn là hai nhóm ngành ưu tiên quan tâm hàng đầu hiện tại, nhưng bên cạnh đó còn nhiều cổ phiếu bluechip thuộc các nhóm ngành khác cũng đón nhận dòng tiền lớn đầu tư.

Những cổ phiếu đang nóng sốt như VRE, VIC, VJC, VPB, ACB… dự báo tiếp tục giao dịch tăng mạnh, trong khi những bluechip khác như VNM, MWG, HPG, HVN, CTG … đang tích lũy chờ tín hiệu.

Bàn tròn chứng khoán: Sẽ có biến động mạnh ảnh 3

 Ông Nguyễn Hồng Khanh

Những nhóm cổ phiếu penny chỉ có những cổ phiếu thật sự hồi sinh và có kết quả kinh doanh khởi sắc mới tăng giá bền vững. Ngoài ra, hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã nâng tỷ lệ margin ở nhóm bluechip cao hơn hẳn nhóm penny, vì vậy dòng tiền đầu tư chắc chắn sẽ chảy qua nhóm cổ phiếu nào an toàn và hiệu quả hơn.

Sẽ có nhiều đợt điều chỉnh và đây là cơ hội để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu mục tiêu. Trong giai đoạn hiện tại, chiến lược đầu tư vẫn là nắm giữ và những đợt điều chỉnh mạnh là cơ hội mua thêm cổ phiếu giá rẻ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Trong ngắn hạn, đây là tuần cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF cho nên thị trường sẽ có biến động mạnh ở các phiên giao dịch cuối tuần và chiến lược đầu tư ngược với các quỹ ETF cũng được xem là chiến lược mang lại tỷ suất sinh lợi tốt.

Do đó, trong ngắn hạn, tôi vẫn giữ quan điểm nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và vẫn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt nên ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu Largecaps có yếu tố cao bản tốt như nhóm ngân hàng, dầu khí, chứng khoán…

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt

Tôi sẽ nghe nhóng thêm các tín hiệu thị trường và đánh ngắn theo thông tin từ các kỳ họp ĐHCĐ ở các mã có tiềm năng mà tôi đã nhắm trước.

Đối với nhóm largecap, tôi chờ xem những mã trụ cho chỉ số sắp tới có điều chỉnh giảm hay không, ví dụ như VIC, GAS, MSN, VJC… Những mã này nếu giảm cùng lúc, chắc chắn VN-Index sẽ bị tác động theo, do đó nhìn chung là đánh nhanh rút gọn.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục