Phiên sáng hôm qua, VN-Index mở cửa với đà hồi phục khá mạnh mẽ nhờ lực cầu bắt đáy. Nhóm cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào đà tăng này là ngân hàng và dầu khí.
Bước sang phiên chiều, diễn biến có phần kém cực hơn khi lực cầu khá dè dặt, trong khi áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng. Lúc này, nhiều mã lớn bao gồm cả ngân hàng và dầu khí quay đầu giảm điểm.
Dù vậy, nhờ sự ổn định của một số mã lớn như GAS, VJC, PNJ, MWG..., VN-Index vẫn may mắn giữ được sắc xanh.
Theo TVSI thì trong những phiên tới, sự thận trọng của dòng tiền khiến cho VN-Index khó có thể hồi phục mạnh, chỉ số nhiều khả năng sẽ biến động tích lũy tại vùng giá hiện tại trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm ngắn hạn.
Những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong quý III như Dệt may, Thủy sản và một số cổ phiếu nhóm bất động sản sẽ thu hút dòng tiền trở lại.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay ngày 10/10, lực mua vừa phải đổ vào thị trường đã kéo VN-Index tiến lên sát gần ngưỡng 1.000 điểm ngay khi mở cửa, tuy nhiên thì dường như đây lại đang trở thành ngưỡng cản quá lớn, khi chỉ số sau đó bị đẩy ngược trở lại, thậm chí còn xuống dưới tham chiếu, trước khi một lần nữa cố gắng chinh phục lại mốc điểm trên.
Nhưng với sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành cổ phiếu và thiếu thông tin hỗ trợ, cùng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, chỉ số lại một lần nữa thất bại, và thêm một lần chìm vào sắc đỏ sau hơn 1 giờ giao dịch.
Một số mã cổ phiếu đáng chú ý là MBB và MSN, khi đang gặp áp lực bán khá lớn, đặc biệt là MBB, khi thanh khoản tiếp tục dẫn đầu HOSE và giảm khoảng 1,5%, trong khi đó MSN cũng đang mất hơn 2%, và có gần nửa triệu cổ phiếu được sang tay.
Trong khi các mã vốn hóa lớn khác phần lớn là diễn biến phân hóa, giao dịch lình xình, khi chỉ tăng/giảm với biên độ hẹp, trừ phần nào đó là BID, STB, NVL có dấu hiệu nới rộng đà giảm.
Trên bảng điện tử, các cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đáng kể là CTH, PVD và AAA khi cũng đang giảm khá mạnh, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.
Ngược lại thì CTI, HBC, HCD và bluechip SBT đang hút dòng tiền, trong đó SBT đang khớp lệnh đứng thứ 4 trên HOSE và khối ngoại mua ròng khá mạnh.
Có lẽ thông tin ảnh hưởng đến cổ phiếu này là việc SBT dự kiến lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về vấn đề phát hành 30 triệu cổ phiếu trả cổ tức, và xin thông qua việc bà Đặng Huỳnh Ức My và người có liên quan được nhận chuyển nhượng cổ phiếu SBT để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 55% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Sau khi xuống dưới tham chiếu và thủng ngưỡng 995 điểm khi số mã giảm gia tăng trên bảng điện tử, chỉ số VN-Index thêm một lần gượng dậy trở lại, nhưng trong ít phút cuối đã bị đẩy ngược trở lại và tạm nghỉ trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index giảm 0,28 điểm (-0,03%), xuống 995,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 105,9 triệu đơn vị, giá trị 2.217,99 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 6% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,2 triệu đơn vị, giá trị 321 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip vẫn chưa có nhiều thay đổi so với nửa đầu phiên, khi chỉ biến động nhẹ về giá, trừ MSN mất 1,9% xuống 86.300 đồng; NVL -2% xuống 63.600 đồng, và MBB, khi -1,5% xuống 22.700 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 7,7 triệu đơn vị.
Các mã khác như VNM -0,3%; SAB -0,04%; CTG -0,2%; BID -0,8% xuống 25.800 đồng, cùng BMP -1,2% xuống 65.800 đồng; GMD -1,1% xuống 27.850 đồng; HSG -1,1% xuống 13.000 đồng; STB -0,7% xuống 13.450 đồng…
Ngược lại thì VIC +0,3%; GAS +0,8% lên 120.200 đồng; VCB +0,2%; VHM +0,4%; TCB +0,5%; PLX +0,3%, VRR +0,9%. Điểm sáng le lói là HPG +1,2% lên 41.500 đồng; ROS +1,1% lên 40.450 đồng; và nhất là SBT khi +2,2% lên 21.050 đồng, khớp 3,94 triệu đơn vị và được khối ngoại mua ròng hơn 1,2 triệu đơn vị, cùng sắc xanh nhạt cũng hiện diện tại FPT, MWG, DHG, PNJ, CTD, SSI, CII…
Khớp lệnh tốt nhất ngoài MBB, STB thì SBT, HPG và HSG có từ 3,1 đến 3,9 triệu đơn vị. SSI và CTG có hơn 1,1 triệu đơn vị...
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phân hóa, trong đó một số mã đáng chú ý là CTI +2,7% lên 26.300 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị; KSH +4,8% lên 1.980 đồng, khớp 1 triệu đơn vị; LHG +3,3% lên 23.750 đồng, khớp hơn 400.000 đơn vị.
Nhóm còn lại suy yếu, với PVD -3,2% xuống 19.700 đồng; AAA -2,1% xuống 16.050 đồng; TCH -2,9% xuống 23.800 đồng; NKG -2,4% xuống 14.150 đồng…
2 mã khớp lệnh tốt nhất là FLC và HQC cũng chia đôi ngả, khi FLC tăng nhẹ 0,7% lên 5.770 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị thì HQC giảm 0,6% xuống 1.790 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị.
Một số mã khác trên bảng điện tử đáng chú ý là APC +4,8% lên 43.700 đồng; C47 +5,6% lên 19.700 đồng; ITD +3,1% lên 13.300 đồng…
Trên sàn HNX, diễn biến HNX-Index tương tự VN-Index, khi chỉ số vươn khá mạnh thời điểm mở cửa, sau đó lùi dần và chịu áp lực giằng co quanh tham chiếu và chốt phiên trong sắc đỏ.
Hầu hết các mã đều giao dịch thiếu tích cực như PVS -1,3% xuống 22.900 đồng; PVB -1,3% xuống 22.100 đồng; HUT -1,7% xuống 5.700 đồng; MBS -1,1% xuống 18.200 đồng; SHS -0,6% xuống 15.700 đồng; VGC -0,5% xuống 18.300 đồng, cùng hàng loạt mã đứng tham chiếu như SHB, ACB, NVB, PVI, VC3, DBC…
Tăng điểm chỉ còn VCG +2,7% lên 19.300 đồng; CEO +0,7% lên 13.700 đồng; VCS +2,8% lên 85.300 đồng; NDN +1,3% lên 15.800 đồng…
Khớp lệnh cao nhất là SHB với gần 2,8 triệu đơn vị; PVS có 2,36 triệu đơn vị; ACB có 1,3 triệu đơn vị; VCG, NVB và HUT có hơn 800.000 đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,1%), xuống 114,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,55 triệu đơn vị, giá trị 252,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,2 triệu đơn vị, giá trị 31,8 tỷ đồng.
Trên UpCoM, diễn biến tích cực hơn, khi chỉ số UpCoM-Index liên tục đi lên và chốt phiên ở mức giá cao nhất, mặc dù cũng có áp lực rung lắc nhất định.
Chỉ số được hỗ trợ bởi POW +1,3%; QNS +2,2%; VGT +1,5%; MPC +4,2%; VEA +0,9%; MCH +0,8%.
Trong khi chịu áp lực từ BSR -2,1%; HVN -0,5%; ACV -0,2%; VGI -2,5%; MSR -1,4%.
Khá nhiều mã tạm dừng ở mức giá tham chiếu là LPB, VIB, OIL, DVN, VCW…
CDO sau khi được giao dịch trở lại từ ngày 5/10 đã liên tiếp tăng trần, và phiên sáng nay cũng không ngoại lệ, khi +14,3% lên 1.600 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 1,66 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,38%), lên 53,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,68 triệu đơn vị, giá trị 142,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 270.000 đơn vị, giá trị 4,4 tỷ đồng.